Sáng 3/3, bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế quốc phòng 4, đóng tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết sức khỏe 3 nữ sinh ăn lá ngón tự tử đã ổn định.
Trước đó, khoảng 18h ngày 2/3, Bệnh xá quân y, Đoành kinh tế quốc phòng 4, tiếp nhận 3 em học sinh gồm X.Y.L., X.Y.R. và M.Y.R. (cùng sinh năm 2009, trú xã Na Ngoi) bị ngộ độc lá ngón.
Thời điểm tiếp nhận, các em đã rơi vào tình trạng lơ mơ, bất tỉnh, mạch đập nhanh nhưng nhỏ và khó bắt, huyết áp khó đo, tính mạng nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh cho biết: “Trong 3 học sinh thì có 2 em nhiễm độc nặng và 1 em nhẹ hơn. Để cứu sống các học sinh, chúng tôi đã cấp cứu rửa ruột, dùng các biện pháp trợ tim, trợ sức và truyền dịch giải độc”.
Theo bác sĩ Minh, cây lá ngón thuộc họ hoàng đằng là một loại cây leo thân quấn mọc hoang dại ở miền núi. Độc tính của lá ngón là do các ancaloit chứa trong toàn bộ cây, mức độ độc giảm từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây.
Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và tử vong rất nhanh do ngừng hô hấp. Thời gian tử vong trung bình từ 1-7,5 giờ.
“Đến ngày 3/3, sức khỏe của cả 3 em đã được cải thiện và qua cơn nguy hiểm, đang được tiếp tục theo dõi, điều trị. Thời gian qua, Bệnh xá quân dân y, Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 đã cứu sống nhiều người dân địa phương ăn lá ngón tự vẫn”, bác sĩ Minh nói.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột là do trên đường đi học về thì phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm bạn. Vì vậy cả 3 đã rủ nhau hái lá ngón để tự tử. Rất may được người dân địa phương phát hiện kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ở Nghệ An, năm nào cũng có những vụ tự tử bằng lá ngón. Đa phần nạn nhân là người đồng bào dân tộc Mông ở các huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Phần lớn nạn nhân có tuổi đời rất trẻ. Nguyên nhân dẫn đến cái chết cũng chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn trong tình yêu, tiền bạc hoặc gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hầu hết người Mông sống trên vùng núi cao, cách xa các bệnh viện, khi phát hiện ra thì đã quá muộn nên việc cứu chữa gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu cũng do những mâu thuẫn rất bình thường nhưng suy nghĩ nông cạn mới dẫn tới cái chết”.
Đã rất nhiều lần huyện Kỳ Sơn tổ chức phát động nhân dân triệt phá cây lá ngón nhưng hầu như đều thất bại. Bởi, các huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An được xem là “thánh địa” của loài cây này.