Sau 9 năm nghiên cứu, hôm 6/8, cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới có thể khoan mũi khoan đầu tiên để thu thập mẫu đá trên sao Hỏa, theo Business Insider.
Tàu thăm dò Perseverance đang hoạt động tại khu vực lòng chảo Jezero, nơi được cho là có thể lưu giữ những tàn tích của sự sống trên sao Hỏa, đã khoan xuống một tảng đá để lấy mẫu vật.
Trước tiên, tàu sử dụng một công cụ để làm sạch lớp bụi trên nền đá. Sau đó, cánh tay robot dài 2,1 m sẽ khoan một lỗ vào tảng đá để thu thập mẫu đá vào một chiếc ống. Perseverance đã thành công để lại trên đá một lỗ khoan. Theo lý thuyết, tàu thăm dò này phải lấy được một ít đá vào ống thu mẫu.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chiếc ống hoàn toàn trống rỗng, không có gì bên trong. Tàu Perseverance đã chụp ảnh xung quanh lỗ khoan nhưng không tìm thấy dấu vết gì của mẫu vật.
Toàn bộ quá trình lấy mẫu diễn ra tự động và các chuyên gia mặt đất chỉ có nhiệm vụ gửi lệnh bắt đầu. Dữ liệu truyền về cho thấy mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch nhưng không rõ vì sao không tìm thấy mẫu vật. Đây là điều chưa từng xảy ra trong quá trình thử nghiệm của NASA trên Trái đất.
Theo các chuyên gia, khó có khả năng xảy ra vấn đề phần cứng với hệ thống thu thập mẫu. Giả thiết ban đầu được đặt ra là tảng đá mục tiêu đã không phản ứng theo như dự đoán
Bà Jennifer Trosper, quản lý dự án Perseverance, cho biết sẽ phân tích thêm dữ liệu để xác định nguyên nhân. Ông Thomas Zurbuchen, quản trị viên liên kết của NASA, nói thêm rằng đây không phải nhiệm vụ có thể thành công trong một lần thực hiện và luôn tồn tại những nguy cơ. NASA từng gặp không ít khó khăn trong việc thu thập đất, đá trên sao Hỏa. Gần đây, tàu đổ bộ InSight không thể khoan vào bề mặt sao Hỏa như kế hoạch.
Được biết tàu Perseverance có tổng cộng 43 ống đựng mẫu vật. Sau khi thu thập, các mẫu vật sẽ được lưu trữ an toàn cho tới khi các tàu vũ trụ đặt chân lên bề mặt sao Hỏa và lấy chúng trở lại Trái đất.
Minh Hoa (t/h)