Trả lời Daily mail, nhiếp ảnh gia Nick Beyersdorf, (20 tuổi) chia sẻ mình chụp được cảnh tượng từ khoảng cách 8.00m dưới mặt đất tại sân vườn của gia đình.
Thời điểm ấy chiếc máy bay của hãng hàng không Qatar Airlines đang bay qua bầu trời thành phố Bamberg (Đức). Nick - một nhiếp ảnh gia đam mê ghi hình bầu trời hiển nhiên không thể bỏ lỡ. Do điều kiện thời tiết đặc trưng nên vào thời gian này các phi cơ khi bay qua sẽ để lại những dải mây tuyệt đẹp.
Điều Nick không thể ngờ rằng hôm nay, dải mây ấy không chỉ mang một màu trắng đơn giản mà lại rực sáng 7 sắc màu khác nhau. Dải mây bắt đầu từ phần cánh máy bay và lưu lại một vệt cầu vồng trên bầu trời nước Đức.
“Sân vườn nhà mẹ tôi là một địa điểm lý tưởng để ngắm máy bay, tôi luôn chuẩn bị sẵn đồ nghề ở đây để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của bầu trời. Khi phát hiện máy bay Qatar chuẩn bị bay qua khu vực tôi đã lên sẵn ống kính, không ngờ rằng cảnh tượng chộp được còn tuyệt mỹ hơn những gì tôi tưởng tượng”.
Sau một vài lần nháy, Nick cuối cùng cũng đã có thể ghi lại được dải mây 7 màu sau đôi cánh của chiếc máy bay ngoại quốc.
Giải thích hiện tượng này, Nick cho biết, những dải mây được hình thành từ các loại khí máy bay thải ra trong quá trình di chuyển. Những khí này được đẩy ra với tốc độ cao kết hợp với hơi nước và nhiệt độ thấp sẽ đóng băng và ngưng đọng thành những dải mây sau đuôi máy bay.
Hiện tượng này thường hay xảy ra ở các khu vực có thời tiết ẩm, nhiều hơi nước. Đặc biệt khi được hình thành dưới mặt trời, dải mây sẽ đóng vai trò như một tấm thấu kính, khúc xạ ánh sáng mặt trời và chuyển nó thành 7 dải màu riêng biệt.
Theo Daily mail, các loại khí được thải ra góp phần hình thành nên dải mây bao gồm: Cacbonic, hơi nước, Nitơ oxit, cacbon monoxit, Me-tan, than muội và bụi kim loại.
Hiện tượng này được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1920 trong những chuyến bay cao. Vào thời điểm Thế chiến 2 hiện tượng này được các nhà khoa học nghiên cứu nhằm phát hiện máy bay thả bom từ xa để kịp thời triển khai các biện pháp phòng tránh và đối phó.
Bá D