Trong tháng 9/2013, truyền hình Trung Quốc đã chiếu phóng sự về chuyến thăm tàu sân bay Liêu Ninh của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình. Lần đầu tiên, chiến đấu cơ hoạt động trên boong J-15 xuất hiện trên màn ảnh truyền hình trong màu sơn truyền thống của binh chủng Không quân Hải quân Trung Quốc. Chuyên gia Vasily Kashin từ Trung tâm Các phân tích chiến lược và công nghệ Nga đã chia sẻ sự đánh giá về triển vọng khai thác cỗ máy chiến đấu mới.
Trung Quốc đã đưa vào sản xuất hàng loạt tiêm kích J-15
Các J-15 được thử nghiệm trên tàu sân bay trước đây mang nước sơn màu vàng, có lẽ vì chúng thuộc sở hữu của nhà sản xuất là Tổng công ty Công nghiệp hàng không Thẩm Dương. Thiếu tướng Hải quân Doãn Trác đã cho biết trên truyền hình rằng, màu sơn mới của máy bay chiến đấu chứng tỏ vũ khí mới đã hoàn thành thử nghiệm và được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Hạm đội Hải quân Trung Quốc chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức về điều này. Theo một số giả thiết, giới quân sự Bắc Kinh chờ đợi sự ra mắt của cả phi đội chiến đấu đầu tiên.
Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, J-15 là thế hệ tiêm kích hạm đầu tiên của nước này có khả năng tấn công và phòng thủ "đáng kinh ngạc", khả năng cơ động hoàn hảo và khả năng tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền vô cùng mạnh mẽ. Nó có thể tìm kiếm và phá hủy những mục tiêu di động "khổng lồ" trên biển.
J-15 được trang bị súng máy 30mm và có thể mang tên lửa hành trình chống tàu siêu âm YJ-62, tên lửa không-đối-không tầm ngắn PL-8/9, tên lửa không-đối-không tầm trung PL-12 và các loại bom lượn dẫn đường Thunder Stone.
Tiêm kích Nga Su-33, nguyên mẫu của J-15
Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, hệ thống điện tử trên J-15 thuộc thế hệ mới so với J-11 và chắc chắn vượt xa tiêm kích Su-33 của Nga. Có vẻ như thiết bị điện tử của J-15 đã đạt chuẩn của tiêm kích thế hệ năm và đạt tới cấp độ ngang ngửa F/A-18 E/F của Mỹ trong khía cạnh này. Yin Zhuo cho rằng khả năng của J-15 là rất lớn, có thể đạt tới mức độ tương tự như "siêu ong bắp cày" F/A-18C/D của Mỹ. Trong khi xét về tổng thể, J-15 có phần kém hơn so với F/A-18E/F nhưng nó lại có khả năng tác chiến trên không tốt hơn. Ngoài ra, khả năng tấn công các mục tiêu trên biển và mặt đất của J-15 thấp hơn F/A-18E/F nhưng ít nhất có thể ngang bằng hoặc thậm chỉ nhỉnh hơn MiG-29K của Ấn Độ.
Trung Quốc "nổ" J-15 mạnh hơn F/A-18E/F của Mỹ
Một bài viết trên tờ Xinhua còn mạnh miệng nhận định rằng J-15 sẽ trở thành thách thức lớn nhất của Hải quân Mỹ trong ít nhất là 20 năm tới, ngay cả khi tàu sân bay Mỹ được trang bị F-35C.
Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc đã quên rằng xét cho cùng J-15 cũng chỉ là một bản "nhái" tiêm kích Su-33 mà Nga sản xuất từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Trong khi đó, hệ thống vũ khí thì F/A-18 E/F trội hơn hẳn so với J-15, hơn nữa lại đã được khảo nghiệm qua các cuộc chiến tranh Apghanistan, Iraq, Lybia… Phiên bản nâng cấp của F/A-18 E/F mạnh hơn nguyên mẫu của nó gấp bội.
Còn Đài Tiếng nói nước Nga nhận xét: Trong tương lai, Su-33 của Nga có thể không còn được khai thác và J-15 của Trung Quốc sẽ là máy bay chiến đấu Hải quân lớn và nặng nhất trên thế giới. Nga đang đưa vào sản xuất loại chiến đấu cơ mới trên boong thuộc dòng MiG-29. Các MiG-29K/KUB sở hữu hệ thống điện tử được nâng cấp toàn diện, radar mạnh, vũ khí hiện đại, tăng phạm vi bay xa và giảm khả năng bị radar phát hiện. Đồng thời, MiG-29K/KUB nhỏ và nhẹ hơn so với J-15/Su-33. Cấu trúc cơ bản của J-15 sẽ trở nên lỗi thời, yếu tố kích thước lớn hạn chế khả năng chứa máy bay trên các hàng không mẫu hạm Trung Quốc.
Trung Quốc muốn sử dụng các máy bay thế hệ thứ năm J-31 trên tàu sân bay. Nhưng theo kinh nghiệm chế tạo trên thế giới, khó khẳng định chắc chắn về thành công của dự án này. Vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng đối với Không quân Hải quân Trung Quốc là xây dựng phiên bản mới và hiện đại hóa triệt của J-15, có tăng cường về vũ khí và tầm bay xa.
Theo Tiếng nói nước Nga, rõ ràng, cần có khoảng thời gian nhất định kể từ khi thành lập phi đội đầu tiên cho đến lúc đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện. Các chuyến cất cánh và hạ cánh của J-15 trên tàu sân bay mới bắt đầu được thực hiện vào tháng 11/2012. Trước đó, các phi công thực hành khởi động từ bệ thử nghiệm trên mặt đất. Các chuyến bay của J-15 chở vũ khí còn đang nằm trong kế hoạch. Trong sơ đồ cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh không sử dụng máy bật. Do đó, trọng lượng bay của các chiến đấu cơ sẽ bị hạn chế.
Chỉ sau khi thực hiện số lượng nhất định các chuyến bay, mới có thể khởi đầu công tác đào tạo ứng dụng chiến đấu trên tàu sân bay. Điều có thể khẳng định là việc hoàn thành tàu sân bay Liêu Ninh cũng như đưa chiến đấu cơ J-15 vào sản xuất hàng loạt là những tiến bộ rất lớn và quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Tuy nhiên, đòi hỏi thời gian để những thành công này trở thành tiềm năng chiến đấu thật sự.
Phong Dao tổng hợp