"Mày đóng vai gì mà trông kinh thế?"

Thứ 6, 28/12/2012 00:07

Gặp nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Bùi Cường sau 30 năm ngày anh đóng vai Chí Phèo của bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Hình ảnh của vai diễn Chí Phèo vẫn còn ám ảnh anh đến lạ lùng, vẫn là cái bóng mà dù muốn, anh vẫn chưa thể vượt qua được.

Xuống tóc, làm xấu để vào vai Chí Phèo

Năm 1982, bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy được khởi quay. Bùi Cường lúc đó mặc dù đã là người của Hãng phim truyện Việt Nam, đã tham gia nhiều vai diễn nhưng chưa thực sự tạo được những dấu ấn lớn. Anh kể: "Hồi đó thanh niên có mốt để tóc dài, mặc quần ống loe. Tôi cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là đồng nghiệp, thì việc tóc tai, quần áo cũng chải chuốt lắm.

Hình ảnh Chí Phèo và Thị Nở do Bùi Cường và Đức Lưu vào vai trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy 30 năm trước

Ngày ấy thích lãng tử nên trong đầu chỉ mơ mộng đến những vai diễn anh hùng. Nghe bạn bè kháo nhau chuyện đạo diễn Phạm Văn Khoa đang làm phim chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Nhưng nghe rồi để đó vì nghĩ rằng mình không thể hợp vai với nhân vật đó được. Thế nhưng, thật bất ngờ, trước đó trong một lần gặp gỡ tình cờ, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Văn Khoa lại để ý đến tôi. Sau này, nghe bạn bè kể lại là khi nhìn thấy tôi anh đã nghĩ ngay đến việc cho vào vai Chí Phèo.

Rồi một buổi sáng, anh Khoa gọi tôi đến và bảo: "Cường này, cậu có sẵn sàng cắt tóc, làm xấu để đóng phim không? Mình đang có một vai rất hay mà mình nghĩ cậu làm được!". Tôi nghe anh nói, được lời như cởi tấm lòng nên mừng lắm, trả lời ngay: "Nếu để đóng vai hay thì không chỉ cắt ngắn mà nếu anh muốn cạo trọc em cũng sẵn sàng". Nói thế nhưng lúc đó tôi vẫn chưa biết đó là vai Chí Phèo.

Vài hôm sau, đạo diễn Phạm Văn Khoa nhận tôi vào vai, nhưng theo nguyên tắc vẫn phải diễn thử. Cảnh quay đầu tiên là lúc Chí Phèo tỉnh dậy sau một cơn say, được Thị Nở nấu cho bát cháo hành. Hắn cảm động ngước nhìn, mắt rưng rưng ra điều biết ơn. Cảnh này đòi hỏi diễn xuất nội tâm qua đôi mắt, nét mặt. Không ngờ lại thành công. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã giữ những thước phim này để lấy làm cảnh chính mà không cần mất công quay lại.

Đóng vai Chí Phèo, mỗi lần quay đều phải bỏ ra 2 tiếng đồng hồ để hóa trang. Ban đầu, tôi cố ý để nhiều sẹo, thể hiện vết tích nham nhở về những lần đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ. Tuy nhiên, khi đến gặp nghệ sĩ hóa trang Nhữ Đình Nguyên, anh khuyên nên để sẹo ít thôi, đặc biệt nên có một cái sẹo dài cắt từ lông mày qua mắt xuống tận gò má. Để "ra" được chất lưu manh Chí Phèo nhất, người hóa trang phải vào tận bệnh viện xin keo để dán cho mắt lệch đi.

Còn chị Đức Lưu- người vào vai Thị Nở thì sang Bệnh viện Việt - Đức để làm răng giả. Hôm diễn thử, hóa trang xong, nhiều người không nhận ra. Khi tôi đi vào cơ quan, anh bảo vệ tưởng thằng dở nào, chỉ tay quát to: "Thằng kia đi đâu, ra khỏi đây ngay". Tôi chỉ kịp ú ớ: "ơ, Cường đây mà". Anh bảo vệ chạy lại tận nơi, nhăn mũi như nhìn phải một quái nhân dị hợm nào đó và bảo: "Mày đóng vai gì mà trông kinh thế?". Bị mắng nhưng tôi vẫn mừng thầm vì như thế tức là đã hóa trang thành công”.

Đi tìm dáng điệu riêng cho một gã say

Đạo diễn Bùi Cường xúc động và hào hứng với câu chuyện về những thước phim đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Anh nhắc lại nhiều lần từ “ám ảnh”. Có lẽ, những nỗi đau và mất mát khi mồ côi cha từ trong bụng mẹ, sự nghèo túng, bươn chải đã giúp anh nhập thần kì lạ vào vai diễn Chí Phèo.

Anh nói: "Lúc đó tôi như lên đồng. Bây giờ, cho làm lại chắc là khó có thể đạt được như thế". Những ngày đó, làm gì tôi cũng nghĩ đến nhân vật. ăn cũng miên man suy nghĩ xem một người nông dân bị bần cùng, tha hóa đến mức lưu manh như Chí Phèo thì ăn như thế nào. Ngủ thì ra làm sao. Để có đủ kinh nghiệm tôi đã thử uống rượu say để biết cái cảm giác đó nó như thế nào. Rồi ra tận chợ nghiên cứu và xem người say đi đứng ra sao.

Cả tháng trời tôi học cách diễn say trước gương. Ngâm cứu mãi cuối cùng cũng nghĩ ra được cái dáng đi bắt chéo hai chân, người nghiêng về một bên. Bởi Chí Phèo, cứ say lên là chửi, mà đã chửi thì nhất định phải ngước cổ sang một bên để ra chiều chửi người khác chứ không phải chửi mình.

Điệu cười của Chí Phèo cũng là một công việc khiến tôi mất nhiều thời gian, công sức. Người say nào cũng ăn nói lè nhè, tôi lại muốn cái lè nhè của Chí Phèo cũng phải độc đáo, không lẫn vào đâu được. Nghĩ mãi rồi cũng tìm ra được cái kiểu cười chó hóc xương. Vì đích thị Chí là một con chó bị chủ tấn công dồn vào góc tường. Tiếng kêu hay tiếng cười của nó là sự phản kháng trong bất lực!

Những cảnh quay nên thơ, lãng mạn

Đạo diễn Bùi Cường bâng khuâng nhớ lại những bối cảnh đẹp khi thực hiện bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Hồi đó, Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh là ba địa điểm được chọn làm bối cảnh phim. Nhớ nhất là cảnh Thị Nở tắm trong một đêm trăng thanh, gió mát. Thực ra cảnh hở nửa ngực là do đạo diễn sắp xếp một cô người mẫu đóng thế cho chị Đức Lưu.

Cảnh đó đạo diễn bắt Chí Phèo phải sờ vào bộ ngực của Thị Nở đang phanh ra tơ hơ, mát rượi. Tôi loay hoay mãi quay đến đúp thứ 3 vẫn chưa đạt vì lúc đạo diễn chưa hô thì do căng thẳng nên tôi đã nhanh nhẩu chụp lấy. Lúc lại đứng đờ ra vì không biết đã nên chụp hay chưa. Cũng bởi vì cảnh này mà có người đùa tôi: "Bùi Cường mải ngắm ngực cô người mẫu mà quên mất cả việc diễn xuất".

Mãi sau phải cần đến tiếng hô diễn đồng thanh của mọi người, tôi mới vào vai được. Chỉ chi tiết nhỏ thôi, nhưng diễn viên phải có sự chỉn chu thì mới tròn vai để tránh không làm hỏng công sức của bao nhiêu người. Tôi còn nhớ, cảnh hôm đó được quay bên một nhánh sông của con sông Đuống (Bắc Ninh). Trăng hôm đó sáng một cách kì lạ. Dòng sông trở thành dòng trăng lấp lánh, bàng bạc. Vườn chuối của một gia đình nông dân bên bờ sông trở thành trường quay đẹp và lãng mạn nhất từ trước đến nay mà tôi từng biết.

Với Chí Phèo, có thể nói, tôi đã đau nỗi đau của nhân vật. Hôm diễn cảnh Chí vác dao đến giết Bá Kiến rồi tự sát, bỗng nhiên trong người tôi cứ thấy gai gai, nôn nao, nước mắt cứ chực trào ra. Tôi thấy xót thương đến vô cùng thân phận của người nông dân bị đày đọa, tha hóa cả về thể xác lẫn tinh thần. Những đúp phim ấy cứ ám ảnh, bám riết lấy tôi đến bây giờ dù đã 30 năm qua đi.

Chí Phèo vẫn là một cái bóng lớn mà tôi khó có thể vượt qua. Dù sau vai diễn này, tôi có thêm nhiều phim hay, được giải cao hẳn hoi nhưng không hiểu sao khán giả vẫn chỉ nhớ đến mình là "lão đóng anh Chí Phèo". âu đó cũng là một sự may mắn mà không phải ai cũng có được. Bùi Cường cười ấm áp: "Người nghệ sĩ, có khi chỉ cần một vai diễn để đời như thế!".

Đào Bích

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.