Máy ép cọc đổ, 4 em nhỏ thương vong: Trách nhiệm pháp lý của nhà thầu

Máy ép cọc đổ, 4 em nhỏ thương vong: Trách nhiệm pháp lý của nhà thầu

Lê Thị Liên

Lê Thị Liên

Thứ 6, 08/01/2021 18:30

Theo luật sư, nếu cá nhân hoặc tổ chức nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp có thể bị phạt lên đến 12 năm tù và phải có trách nhiệm bồi thường.

Cần làm rõ vi phạm về an toàn lao động

Vụ việc 2 em nhỏ từ vong, 2 em khác bị thương vì máy ép cọc tại công trường thi công nhà văn hóa và công trình phụ trợ thôn Văn Trong (xã Phú Hòa, Lương Tài, Bắc Ninh) khiến dư luận vô cùng xót xa. Công an huyện Lương Tài vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 3 đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động: Đỗ Khắc Hiền (sinh năm 1987, ở Nhiêu Đậu, xã Lâm Thao, Lương Tài); Lương Quốc Đáng (SN1989) và Lâm Ngọc Tiến (SN 1984) đều ở Hoàng Xá (xã Trung Dũng, Tiên Lữ, Hưng Yên). Được biết, cả ba đều là công nhân thuộc đơn vị thi công ép cọc cho công trình xây dựng nhà văn hóa thôn Văn Trong.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích, đây là một vụ tai nạn thương tâm và có thể có lỗi tắc trách của đơn vị thi công. Theo quy định của pháp luật thì đơn vị thi công cần phải sử dụng máy móc trang thiết bị phù hợp, phải bố trí người có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để quản lý, vận hành máy móc. Nơi công trường thi công phải có biển cảnh báo an toàn, phải che chắn để đảm bảo an toàn cho người lao động và những người xung quanh. Việc để các cháu nhỏ vui chơi ở trong khu vực thi công là chuyện khá bất ngờ và đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Quan điểm - Máy ép cọc đổ, 4 em nhỏ thương vong: Trách nhiệm pháp lý của nhà thầu

Hiện trường vụ việc 4 em nhỏ thương vong do máy ép cọc đổ vào người.

“Về việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ người quản lý, vận hành, điều hành máy ép cọc này là ai, có thực hiện các thủ tục, quy trình vận hành theo đúng quy định hay không, có thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn lao động hay không, tại sao lại để các cháu nhỏ vào khu vực công trường đang thi công”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo luật sư Cường, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định có lỗi vô ý của đơn vị thi công, người quản lý, sử dụng máy móc dẫn đến hậu quả tai nạn chết người thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, tội Vô ý làm chết người hoặc tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp...” theo Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể. Nếu làm chết nhiều người trở lên có thể bị phạt tù theo tình tiết tăng nặng từ 5 năm đến 12 năm.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều kiện để khởi tố vụ án hình sự là vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ở đây là chứng minh lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả của người có trách nhiệm quản lý, sử dụng máy ép cọc này. Lỗi của người này có thể thể hiện ở chỗ người này phải nhận thức được rằng với tình trạng máy móc thiết bị như thế thì có thể gây tai nạn cho người khác nhưng đã không có cảnh báo, không quan sát, không kiểm tra dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra.

Cũng có thể lỗi thể hiện ở chỗ đã không tuân thủ quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp khi thi công công trình. Trường hợp vi phạm quy định về đảm bảo an toàn lao động, an toàn nơi đông người dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.

Về nguyên tắc giải quyết vụ việc trong trường hợp này là kết quả xác minh cho thấy nếu có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Vô ý làm chết người hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động". Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ để có kết luận, làm căn cứ áp dụng pháp luật.

Quan điểm - Máy ép cọc đổ, 4 em nhỏ thương vong: Trách nhiệm pháp lý của nhà thầu (Hình 2).

Luật sư Đặng Văn Cường.

Trường hợp người nào vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì ngoài việc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại theo quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trong trường hợp không chứng minh được lỗi của cá nhân thì vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn được đặt ra. Chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình này phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân và gia đình nạn nhân.

"Thiệt hại ở đây là chi phí cứu chữa trước khi chết, chi phí cứu chữa đối với các em bị thương, tiền công người chăm sóc, tiền tổn thất về tinh thần và các chi phí khác phát sinh. Vẫn biết rằng tính mạng của con người là không gì so sánh được, những bồi thường thiệt hại của tổ chức, đơn vị chỉ bù đắp được phần nào thiệt hại cho gia đình người bị hại. Tuy nhiên việc xem xét trách nhiệm pháp lý vẫn cần phải đặt ra và làm rõ nguyên nhân để thực hiện các giải pháp phòng ngừa”, luật sư Cường cho hay.

Luật sư Cường cũng đưa ra lời khuyên, vấn đề an toàn lao động cần phải được siết chặt, quản lý tốt để tránh những vụ việc thương tâm như thế này tiếp tục xảy ra.

Vụ việc đau lòng

Trước đó, sau khi vụ việc thương tâm xảy ra, ông Trần Xuân Nhiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Tài - cho biết, công trình Nhà văn hóa thôn, chủ đầu tư là UBND xã Phú Hòa, có tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 3 tỷ đồng; đơn vị thi công là công ty Tuấn Tài Phát (xã An Thịnh, Lương Tài). Vụ tai nạn làm 2 em Nguyễn Bá T. (8 tuổi), Ng Văn N. (8 tuổi) tử vong; Vũ Văn T. (8 tuổi), Nguyễn Văn H. (6 tuổi) bị đa chấn thương.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.