Máy Photocopy phải mới 100%?

Máy Photocopy phải mới 100%?

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

“Nếu sử dụng máy photocopy mới 100% thì người sử dụng có thể phải gánh thêm chi phí gấp 6 đến 10 lần so với máy second hand như hiện nay và hàng triệu học sinh, giáo viên, kỹ sư cũng phải móc thêm hầu bao... khi photocopy tài liệu. Việc cấm nhập khẩu sản phẩm cũ là cần thiết nhưng phải xem xét đến đặc thù của từng sản phẩm và nhất là phải có một lộ trình thích hợp”.

Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp liên quan đến Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng cấm nhập khẩu đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến.

Ít mua máy mới vì giá “cắt cổ”

Dự thảo nêu được Bộ Thông tin truyền thông (BTTTT) xây dựng nhằm thay thế cho Thông tư số 43/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009. Lý do được Bộ TTTT đưa ra khi cấm nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng là để tránh biến thị trường Việt Nam thành bãi thải của thiết bị công nghệ. So với Thông tư số 43 thì Dự thảo vẫn giữ quy định cho một số trường hợp được phép nhập khẩu sản phẩm CNTT.

Xã hội - Máy Photocopy phải mới 100%?
Ảnh mang tính minh họa

Điểm mới trong dự thảo là sẽ có thêm rất nhiều sản phẩm CNTT đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu như đèn điện tử và ống điện tử dùng nhiệt điện tử, micro và giá đỡ micro, loa đã hoặc chưa lắp ráp vào trong vỏ loa, tai nghe có khung chụp qua đầu và tai nghe không có khung choàng đầu… Trong nhóm sản phẩm máy in, fax, photocopy đã qua sử dụng cấm nhập khẩu được bổ sung thêm máy in- copy, in bằng công nghệ in phun và bằng công nghệ laser. Đây là những công nghệ mới nên trong Thông tư 43 chưa cập nhật được.

Theo ông Phạm Vũ Hoàng, Công ty TNHH TM và DVKT Tân Hoàng Tiến (Tp. Hồ Chí Minh) thì hơn 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực này, ông nhận thấy phần lớn khách hàng của Cty đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Vì nguồn vốn hạn hẹp nên các DN này thường lựa chọn mua máy đã qua sử dụng (còn khoảng 80%) để trang bị cho văn phòng. Bên cạnh đó, nhiều DN nước ngoài chỉ hoạt động thời vụ tại Việt Nam, khi có nhu cầu họ cũng đều thuê hoặc mua máy văn phòng có công suất lớn đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí. Nếu cấm nhập khẩu máy văn phòng như máy photocopy đã qua sử dụng sẽ gây khó cho các DNVVN cũng như các DN nước ngoài hoạt động thời gian ngắn tại Việt Nam.

Bà Đinh Thị Cúc, giám đốc trung tâm máy văn phòng Phú Sơn tính toán, một máy photocopy mới 100% hiện nay giá thấp nhất là 2.500 USD nhưng tốc độ sao chụp chỉ được 25 trang/1phút do vẫn sử dụng công nghệ cũ. Cũng với mức giá đó có thể mua được 2 máy đã qua sử dụng có tốc độ sao chụp 75 trang/1 phút do đã áp dụng công nghệ cao hơn. “Nhập máy mới 100% mà công nghệ thấp thì cũng chẳng bán hay cho thuê được nên các DN chẳng dại gì nhập. Trong khi đó, nhập máy mới có công nghệ cao chi phí sẽ đội lên hơn 10 lần thì sẽ rất kén khách hàng”, bà Cúc phân tích

Có thể siết dần chất lượng?

Đóng góp ý kiến cho dự thảo, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc CTy TNHH TM và DV Phú Sơn (Hà Nội) cũng cho rằng, cấm nhập khẩu máy photocopy đã qua sử dụng là cần thiết nhưng phải có lộ trình. Cấm ngay thời điểm sẽ gây bất lợi cho thị trường bởi nó tác động đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế.

Ông Sơn dẫn chứng, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có DN nào sản xuất hoặc lắp ráp máy photocopy, chỉ có mình Canon thì chỉ lắp ráp rồi xuất khẩu chứ lượng tiêu thụ tại Việt Nam rất ít. Nếu chỉ cho nhập khẩu máy mới 100% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí DN, nhất là các DNVVN đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

“Theo tôi, không nên cào bằng các loại máy đã qua sử dụng mà nên quy định chặt về tiêu chuẩn. Ví dụ có thể tăng tỷ lệ chất lượng còn 80% lên 85%, sau đó có thể là 90%. Nếu tính đến bài toán kinh tế, giá một chiếc máy photocopy đã qua sử dụng mà chất lượng còn 85% giá thì chỉ bằng 1/6 đến 1/10 máy mới 100%, trong khi công năng sử dụng ngang nhau. Đó là chưa tính đến chi phí trong quá trình duy trì hoạt động của máy đã qua sử dụng này chỉ bằng 1/4 so với máy mới cùng loại”, ông Sơn nói.

Với cái nhìn thực tế hơn, ông Hứa Chí Công - Giám đốc Công ty TNHH TM và DVCN Thành Công đưa ra lí do, nếu cấm nhập khẩu máy photocopy đã qua sử dụng sẽ bắt buộc các cửa hàng dịch vụ photocopy phải trang bị máy mới 100% với giá thành cao hơn gấp 10 lần. Để bù đắp cho giá thành của máy thì giá dịch vụ cũng phải tăng lên gấp 10 lần hiện nay. Trong khi đó khách hàng của dịch vụ photocopy phần nhiều là học sinh, sinh viên, DNVVN…

Bên cạnh đó, các DN tự trang bị máy mới cho mình cũng phải bỏ ra khoản chi phí gấp 10 lần hiện nay và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí vận hành DN. Còn đối với các DN đang kinh doanh máy photocopy hiện nay, ông Công cho rằng: Nếu “lệnh cấm” này được áp dụng thì sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí là đứng trước nguy cơ phá sản (từ doanh nghiệp nhập khẩu, đến các Cty phân phối, tiếp đến sẽ là các cửa hàng kinh doanh...)

Vịnh Nghi


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.