Mặc dù chưa có cơ hội lên hình hay dẫn ở các chương trình lớn nhưng khi được hỏi đến, hầu hết các MC “hạng hai” đều cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm bởi mức thu nhập “khủng” mà không phải đầu tư nhiều.
MC “vườn” sơ sài nhưng cho thu nhập “khủng”
Đặc điểm của các MC “vườn” hầu hết là những người nông dân chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, quanh năm lo “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Có hình thức cân đối lại sẵn “bầu rượu túi thơ” luôn dạt dào nên họ nhanh chóng “trưởng thành” qua những lần dẫn dắt giúp cho đám cưới của bạn bè.
Q.Dũng (Nam Định) kể: “Ban đầu, thù lao đôi khi chỉ là một bữa rượu vì mình giúp bạn bè là chính. Nhưng làm lâu thành quen nên mình quyết định đầu tư một chiếc máy ghi âm để học “mót” cách dẫn chương trình đám cưới của các MC đi trước rồi tự tập một mình thật trôi chảy mới dám đi hành nghề”.
Thời điểm mới nhận sô, thường các MC “mới tinh” này chỉ dám nhận cát xê bằng nửa các MC lâu năm khác, chỉ mong tạo thiện cảm đối với khách hàng để họ còn giới thiệu cho những mối khác. Sau khi có uy tín, mức thu nhập sẽ tăng dần lên; mặt khác, ở các vùng quê, MC đám cưới thường kiêm luôn cả việc lo chạy phông bạt, bàn ghế… nên tiền thu về cũng từ nhiều nguồn khác nhau.
Mạnh Quân (Phú Thọ) là một MC chuyên dẫn cho các đám cưới ở vùng quê tiết lộ: Bình quân mỗi đám cưới thù lao của MC dao động từ 500.000 đồng – 700.000 đồng. Trong khi đó, đầu tư thêm một bộ loa đài khoảng từ 7 triệu đến 10 triệu đồng, một bộ phông màn và 24 chữ cái bằng xốp trắng, hai con chim bồ câu, hai trái tim lồng vào nhau, cũng bằng xốp trắng, tất cả khoảng 3 triệu đồng mà tuổi thọ của chúng cũng phải qua được ít nhất là 3 mùa cưới thì cũng “ăn đủ”.
Đấy là còn chưa kể đến hoa hồng của các ca sỹ nghiệp dư trích lại cho khi mình giới thiệu đến hát cho đám cưới”. Vì thế, nhất là vào mùa cưới, MC làm không hết việc nên thu nhập mỗi tháng cũng 15 – 20 triệu đồng – một con số “khủng” ở các vùng quê.
Đối với các MC coi các quán cà phê, phòng trà là đất diễn, mức thu nhập cũng tương tự hoặc nhỉnh hơn MC đám cưới một chút, tùy vào đẳng cấp từng quán. Tuy nhiên, các MC làm việc ở đây thường được “tuyển” kỹ càng hơn và khả năng múa, hát, biểu diễn… yếu tố bắt buộc mà MC phải có. Chính vì thế, thu nhập không chỉ đơn giản là công việc dẫn dẫn dắt, giới thiệu mà họ còn thu nhập thêm từ việc trực tiếp tham gia biểu diễn trên sân khấu. Vì vậy, mức thu nhập có khi lên tới tiền triệu mỗi tối là chuyện bình thường.
Thu Linh – MC phòng trà N.X (Chùa Bộc, Hà Nội) tâm sự: “Với những MC có vóc dáng cũng như gương mặt ăn hình thì sẽ có nhiều cơ hội được mời làm PG giới thiệu sản phẩm hơn. Thu nhập từ vị trí này vào khoảng 500.000 đồng - 1 triệu đồng/ngày. Với cơ hội việc làm đó, mình có thể sắp xếp ban ngày đi làm PG, buổi tối làm MC nên thu nhập cũng khá ổn”.
Tuy nhiên khi được hỏi đến, hầu hết những người hiện đang là MC “hạng hai” đều tâm sự, họ không xác định nghề này lâu dài hoặc chỉ coi đây là nghề tay trái bởi khi có tuổi, nhan sắc không còn cũng là một hạn chế với nghề.
Linh Trần