Theo báo Tuổi trẻ thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cách đây một tuần, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị tích cực cho hai bệnh nhân là N.Đ.Nh. (50 tuổi, trú xã Ba Đình) và Tr.V.Ph. (50 tuổi, trú xã Nga An), đều thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, trong tình trạng sốt cao, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn nhiều, mệt mỏi toàn thân.
Đến ngày 18/3, tình trạng bệnh nhân Ph. diễn biến nặng, khó qua khỏi nên gia đình đã xin đưa về nhà, sau đó tử vong. Bệnh nhân Nh., sau nhiều ngày được các bác sĩ điều trị tích cực tại khoa Truyền nhiễm đã tỉnh táo nhưng thính lực giảm. Được biết, cả hai bệnh nhân này đi liên hoan với bạn bè và có ăn tiết canh dê. Khả năng chủ quán ham lợi lừa khách hàng, dùng tiết lợn pha trộn làm tiết canh dê nên dẫn đến tình trạng ngộ độc trên.
Sau khi sự việc xảy ra, trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo trung tâm y tế huyện Nga Sơn tăng cường giám sát, tuyên truyền đến người dân về bệnh liên cầu lợn. Đồng thời, tiếp cận ngay những người cùng ăn liên hoan với hai bệnh nhân để phát hiện bệnh sớm nhằm tư vấn, điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia, tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên Streptococcus suis. Ở động vật, vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp, đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân. Ổ chứa vi khuẩn là lợn nhà, có thể cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim...
Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo, người dân cần ý thức tự giác phòng, chống bệnh lây nhiễm từ liên cầu lợn; không được giết mổ lợn ốm, chết; không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh.
Đặc biệt, khi người thân có biểu hiện sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa khám, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong do liên cầu lợn.
Chuyên gia thú y cảnh báo, cần khoanh vùng, phun khử trùng môi trường vùng có dịch bằng chloramin B 3-5%. Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ lợn; không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu hủy đúng cách; Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu hủy. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn; để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
N.Giang