Mẹ 'bán tim' cứu con: Bố đứa trẻ đang ở đâu mà chấp nhận điều này?

Mẹ 'bán tim' cứu con: Bố đứa trẻ đang ở đâu mà chấp nhận điều này?

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 7, 17/12/2016 10:18

Đứa trẻ 7 tuổi bị tan máu bẩm sinh nếu được sống khỏe mạnh sau ca phẫu thuật ghép tế bào gốc thành công thì chỉ có cơ thể sống còn tương lai, tình cảm của bé sẽ như thế nào?

image

Hạnh phúc của đứa trẻ 7 tuổi?

“Những ngày qua tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định cuối cùng của tôi là sẽ chọn con mình và mong cho con được sống. Tôi chấp nhận từ bỏ tất cả, chấp nhận hy sinh tấm thân này để lấy tiền cứu con. Tôi biết, lựa chọn này chắc chắn gia đình và nhiều người sẽ ngăn cản tôi.

Nhưng tôi không thể nhìn con thơ khổ mà tôi lại sống vui vẻ được. Giá như tôi có thể làm được điều gì đó cho gia đình, cho xã hội. Nhưng thật buồn tôi không thể làm được gì ngoài việc bán đi trái tim của mình, chấp nhận chết để lấy tiền điều trị tiếp bệnh cho con mình”, chị Trần Thị Hoa, 27 tuổi, quê Bình Thuận đã từng chia sẻ những dòng như thế trên mạng xã hội.

Clip: Xót xa tâm sự của người mẹ cùng quẫn, nghĩ tới cách "bán tim" để có tiền cứu con trai bị tan máu bẩm sinh

Để có tiền cứu đứa con trai 7 tuổi bị mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) chị chấp nhận “bán tim”, chấp nhận cái chết đến với mình chỉ mong sao con được sống.

Tình mẫu tử ấy của chị Hoa có người cảm thương sâu sắc, nhưng cũng có không ít người tỏ ra bất bình và đặt ra câu hỏi.

Xã hội - Mẹ 'bán tim' cứu con: Bố đứa trẻ đang ở đâu mà chấp nhận điều này?

Chị Hoa và con

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cũng là một trong số những người đặt ra những câu hỏi trước sự hi sinh tính mạng dành cho con của người mẹ trẻ ấy.

Bà Túy cho biết, vấn đề mấu chốt quyết định sự lựa chọn ấy của chị Trần Thị Hoa có đúng hay không là vấn đề khoa học kĩ thuật.

“Bệnh tan máu bẩm sinh có chữa được không? Bác sĩ chẩn đoán thế nào? Liệu chị Hoa bán đi trái tim của mình nhưng có chữa được lành lặn hoàn toàn cho con không? Nếu không chữa được, lúc ấy chị để lại một bé trai 7 tuổi sống “lay lắt” không có tình thương yêu của bố mẹ, không được hưởng hạnh phúc của một gia đình trọn vẹn, không biết tương lai như thế nào thì sự hi sinh như thế có đáng hay không?

Nếu chị ấy bán tim lấy tiền mấy trăm triệu mà cứu được đứa con có cơ thể khỏe mạnh, tương lai rực rỡ thì quyết định của chị ấy 1 phần có lí và chúng ta có thể ghi nhận sự hi sinh cho con là đáng quý”, bà Túy đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Bàn sâu hơn về trường hợp của chị Hoa, bà Túy cũng tỏ ra khá băn khoăn khi trong một xã hội mà phong trào làm từ thiện, phong trào “lá lành đùm lá rách” luôn được đặt lên cao như hiện nay, lại thêm họ hàng, người thân của chị Hoa thì quyết định như thế liệu có cực đoan, tuyệt vọng hay không mà người mẹ trẻ này không nhìn thấy một khả năng khác.

“Nếu chị Hoa đã tin vào khả năng chữa được bệnh cho con để con khỏe mạnh thì chị cũng phải tin nữa vào tập thể, vào cả bệnh viện, không nên tuyệt vọng sớm”, bà Túy nhấn mạnh.

Ở một góc cạnh khác, bà Túy còn cho hay, bé Trương Hoàng Phúc (con trai chị Hoa – PV) nếu được sống khỏe mạnh sau ca phẫu thuật ghép tế bào gốc thành công thì chỉ có cơ thể sống mà thôi còn tương lai, tình cảm của bé sẽ như thế nào khi bé biết người mẹ đã “bán tim” cứu mình.

Liệu cuộc đời dài sau này của bé Phúc có được bao nhiêu hạnh phúc, thanh thản không hay suốt cuộc đời sẽ ăn năn, quanh quẩn với suy nghĩ làm thế nào đền đáp được tấm ân tình của mẹ. Cho dù sau này Phúc có là người thành đạt thì lương tâm cũng luôn day dứt.

“Chỉ có đứa con bất hiếu mới sống hạnh phúc được trong hoàn cảnh như thế.

Quyết định của chị Hoa đáng hoan nghênh nhưng chị ấy cần nghĩ tới đứa con và nên cân nhắc nhiều mặt”, bà Túy tâm sự.

Thêm đó, bà Túy cũng đưa ra quan điểm về người mua trái tim của chị Hoa. Vì họ chỉ lấy đi trái tim của người đã chết não. Còn mua trái tim của một người mẹ đang sống khỏe mạnh lại có đứa con trai 7 tuổi đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật, nếu đặt trong trường hợp ấy không bao giờ đồng ý mua. Thêm vào nữa, việc mua bán bộ phận trong cơ thể là điều không được pháp luật cho phép.

Còn gia đình nhà chồng và bản thân chồng chị Hoa, dù đã li hôn nhưng khi thấy con mình bệnh tật rồi vợ cũ phải quyết định “bán tim” để cứu con thì họ ở đâu trong lúc này? Họ có sống được hạnh phúc trên những nỗi đau và sự đánh đổi, sự tuyệt vọng ấy?

Tình thương cần đặt trong giới hạn pháp luật

Ở cương vị làm cha mẹ Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng Luật sư INTERLA, Đoàn luật sư TP. Hà Nội thấu hiểu nỗi đau của người phụ nữ này. Tình thương của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến, tuy nhiên tình thương cũng cần đặt trong giới hạn của pháp luật.

Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã xác định rõ nguyên tắc “không vì mục đích thương mại”. Điều 11 quy định nghiêm cấm hành vi “mua bán mô, bộ phận cơ thể người; mua bán xác”. 

Pháp luật chỉ cho phép việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vì mục đích nhân đạo, chữa bện, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Xã hội - Mẹ 'bán tim' cứu con: Bố đứa trẻ đang ở đâu mà chấp nhận điều này?  (Hình 2).

Trận sốt năm lên 2 tuổi khiến 1 chân của bé Phúc bị teo nhỏ hơn khiến bé bước đi khập khiễng

Hoàn cảnh của hai mẹ con chị Hoa tuy rất thương tâm và ở trên cương vị người mẹ việc hy sinh tất cả để cứu con mình là điều có thể cảm thông. Tuy nhiên, hành vi rao bán nội tạng của chị Hoa đã vô tình vi phạm điều cấm của pháp luật.

Trong thực tế hiện nay, những người bệnh cần ghép gan, thận… là rất nhiều, tuy nhiên để đợi được người hiến, tặng nội tạng hợp pháp và phù hợp là vô cùng khó khăn và lâu dài. Chính vì vậy đa phần là vì khoản lợi khổng lồ mà nhiều người đã tìm cách “lách luật” biến việc hiến, tặng nội tạng thành việc mua bán sinh lời...

Ở tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, ta có thể bắt gặp rất nhiều cò, mồi về việc mua bán nội tạng. Có cả một đường dây ngầm của người cung cấp và người có nhu cầu về vấn đề này.

Tuy nhiên, luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc mô tả những hành vi bị nghiêm cấm mà chưa có văn bản quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm này.

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 đã tạo cơ sở pháp lý để ngành kỹ thuật y học ghép mô cũng như bộ phận cơ thể người phát triển, đã tạo cơ hội lớn để cứu sống nhiều người bệnh.

Tuy nhiên cho đến nay, chế tài xử lý vẫn chưa thật đầy đủ và hoàn thiện nên vẫn là một trở ngại trong quá trình áp dụng và ngăn chặn những hành vi sai trái này trên thực tế.

Việc thiếu cơ chế quản lý và kiểm soát đã khiến việc làm nhân đạo này biến tướng, trở thành tiêu cực và vấn nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đôi khi là tính mạng của người dân. Do vậy, cần xây dựng hệ thống pháp luật với những chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để góp phần ngăn chặn và trừng trị thích đáng những hành vi biến tướng sai trái này.

“Theo tôi, cần phối hợp tổng thể nhiều biện pháp để hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm của y, bác sỹ cũng như sự phối hợp giám sát liên ngành của các cơ quan có thẩm quyền”, Luật sư Hòe nói.

Trong lĩnh vực hình sự mới chỉ có một số ít điều luật có liên quan đến hành vi vi phạm như sau: Tội mua bán người (Điều 119 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định tại điểm d khoản 2, phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm nếu có hành vi “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”; tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 246 BLHS 1999 sửa đổi 2009) quy định tại khoản 1 là người nào “có hành vi khác xâm phạm thi thể” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Bộ luật hình sự 2015 được ban hành đã phần nào khắc phục được nhược điểm trên của BLHS hiện hành khi quy định tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Theo đó, Điều 154 BLHS 2015 quy định: “người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.

Nguyễn Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.