Theo bác sĩ Nguyễn Mai Anh, công tác tại khoa Nhi, bệnh viện Phổi Hà Nội, hiện cũng đang là một bà mẹ bỉm sữa chia sẻ: Sữa công thức chỉ nên dùng bổ sung khi mẹ thực sự ít sữa, có nghĩa là thiếu bao nhiêu bổ sung bấy nhiêu. Trước khi cho bé dùng sữa công thức, vẫn nên cho trẻ ti mẹ 10 – 15 phút, sau đó mới bổ sung thêm sữa công thức.
Khi lựa chọn sữa, không nên lựa chọn dựa vào thương hiệu hay được giới thiệu sữa này sữa kia tốt, mà mẹ phải nắm được thành phần sữa có phù hợp với con mình hay không? Dưới đây, báo Người Đưa Tin xin gửi tới quý độc giả, đặc biệt là các bà mẹ lời khuyên của vị bác sĩ này.
Phân chia loại sữa công thức thế nào cho đúng?
Dựa vào nguồn gốc: Sữa bò, sữa dê, sữa đạm thực vật.
Dựa vào protein: Sữa công thức thông thường có kết cấu protein hoàn chỉnh, sữa có thành phần protein thủy phân (một phần hoặc hoàn toàn), sữa acid amin.
Dựa vào chất béo: Sữa công thức thông thường với thành phần chất béo có chuỗi carbon dài, sữa với thành phần chất béo có chuỗi carbon trung bình.
Dựa vào Carbonhydrate: Sữa công thức bình thường có đường lactose, sữa không có đường lactose (lactose free).
Lựa chọn sữa thế nào phù hợp với trẻ?
Đối với những trẻ bình thường khỏe mạnh thì sữa tốt nhất là sữa hợp với trẻ và phù hợp với kinh tế gia đình.
Với những trẻ sinh non, nhẹ cân có thể dùng những sữa có năng lượng cao (~ 80Kcal/100l), (sữa công thức bình thường là 66 – 67Kcal), có thể dùng khi cân nặng 4-5 kg, sau đó thì không nên dùng nữa.
Với những trẻ có cơ địa dị ứng, hoặc gia đình có người bị dị ứng, hoặc muốn đề phòng nguy cơ bị dị ứng protein sữa thì nên sử dụng sữa có protein thủy phân một phần.
Với những trẻ đã xác định dị ứng protein sữa bò thì nên sử dụng sữa có protein thủy phân hoàn toàn hoặc sữa có protein nguồn gốc thực vật.
Với những trẻ tiêu chảy mãn tính, hay mắc các bệnh dạ dày ruột, biếng ăn… thì nên chọn loại sữa có chất béo có chuỗi carbon trung bình (MCT). Chú ý, khi sử dụng loại sữa này cần cho trẻ tập vận động nhiều hơn vì nguy cơ béo phì nhiều hơn các loại sữa khác.
Sữa không có đường lactose: Chỉ nên sử dụng ở những trẻ bất dụng nạp lactose vì đường lactose rất quan trọng trong việc hấp thu vitamin và phát triển của trẻ. Với những trẻ tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mạn tính cũng có thể dùng sữa lactose free song song với việc điều trị tiêu chảy. Vì khi bị tiêu chảy niêm mạc ruột tổn thương đồng thời làm mất đi men tiêu hoá đường lactose (lactase) khi đó lượng đường lactose không được tiêu hủy bằng men có trong ruột sẽ làm tiêu chảy kéo dài hơn. Vì vậy với những trẻ có tiêu chảy cấp tính hoặc tiêu chảy mạn tính, có thể cân nhắc sử dụng cho đến khi bệnh ổn định được khoảng 2 tuần.
Làm thế nào để biết trẻ có hợp sữa hay không?
Trẻ không từ chối sữa (từ chối sữa khác với từ chối ti bình – mẹ phải tập cho con ti bình trước). Sau khi ăn, trẻ không có triệu chứng khó chịu, trẻ tăng cân và phát triển bình thường.
Sữa công thức có gây táo bón hay không?
Sữa công thức thường không gây táo bón. Nguyên nhân táo bón thường là do mẹ pha sữa quá đặc hoặc mẹ cho trẻ uống thêm canxi.
Bác sĩ Nguyễn Mai Anh, khoa Nhi, bệnh viện Phổi Hà Nội