Công an tỉnh Hải Dương vẫn đang vào cuộc điều tra vụ việc cháu Nguyễn Thị Th. (9 tuổi, trú tại TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) tử vong có dấu hiệu bị sát hại do bị siết cổ bằng sợi dây bạc cháu hay đeo. Nghi phạm được xác định là Nguyễn Thị Nga (37 tuổi, mẹ cháu Th.).
Cơ quan điều tra bước đầu thông tin, Ng. có 2 con, Th. là lớn, còn em được 8 tháng tuổi. Sau khi sinh con được 8 tháng, Ng. có dấu hiệu trầm cảm. Mới đây Ng. đi khám bệnh thì phát hiện mình bị ung thư trực tràng, tuy đang xạ trị nhưng có biểu hiện rối loạn tâm thần luôn ám thị mình sẽ chết và trước khi chết sẽ mang theo 2 con. Cách đây khoảng 1 tuần, Ng. có nói ra với hàng xóm “khi tôi chết tôi sẽ mang theo 2 đứa con”.
Trưa ngày 28/4, chồng chị Ng. đi làm về thì thấy cửa nhà khoá, gọi không ai trả lời, bên trong có tiếng con thơ khóc. Phá cửa vào kiểm tra, người chồng phát hiện con gái 9 tuổi nằm bất động, vợ thì nằm trên giường, cậu con trai 8 tháng tuổi đang ngồi khóc.
Sau đó, cả 3 được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, tuy nhiên cháu Th. được xác định đã tử vong, Ng. được cấp cứu với triệu chứng ngộ độc thuốc trừ sâu. Ng. có nói với người nhà là cho cháu Th. uống thuốc trừ sâu, tuy nhiên khám nghiệm tử thi cơ quan công an bước đầu kết luận cháu Th. tử vong do bị ngạt vì bị siết cổ bằng sợi dây chuyền.
Theo luật gia Bùi Đình Ứng, có nhiều vụ án mạng thương tâm liên quan đến câu chuyện mẹ trầm cảm sau sinh xuống tay hại chết chính con ruột của mình. Những vụ việc thương tâm này khiến không chỉ người gây ra vụ việc đau lòng mà những người thân trong gia đình cũng bị suy sụp theo.
Theo luật gia Ứng, về vấn đề pháp lý, hành vi giết cháu Th. của Ng. sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123, BLHS 2015 với tình tiết định khung "giết người dưới 16 tuổi" (điểm b, khoản 1). Nếu xác định cháu bé 8 tháng tuổi cũng bị Ng. cho sử dụng thuốc trừ sâu thì Ng. sẽ bị xem xét ở tình tiết “giết 2 người trở lên” (điểm a, khoản 1, Điều 123 BLHS). Người mẹ có thể sẽ phải chịu mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, Ng. có những biểu hiện của bệnh trầm cảm nên cơ quan điều tra phải làm rõ động cơ, mục đích và trạng thái tâm lý lúc người mẹ này ra tay sát hại con mình.
Nếu xác định nguyên nhân gây ra cái chết cho con do bị ảnh hưởng về bệnh trầm cảm sau sinh thì cần thiết phải giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ. Khi đó, người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 21, BLHS về Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự).
Còn nếu người mẹ chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi khi trước, trong và sau khi phạm tội. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
Điều 21, BLHS 2015 về Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.