Trầm mình vào dòng nước lạnh giá của sông Hồng, những con người ấy có lẽ muốn tìm đến một giải pháp để trút bỏ mọi gánh nặng ưu phiền của dương gian. Chẳng ai biết được họ có được siêu thoát đến một thế giới đầy niềm vui hay không, chỉ biết rằng, đằng sau những cái chết tức tưởi ấy là những giọt nước mắt đau khổ và sự ám ảnh khôn cùng cho những người sống dưới chân cầu Long Biên đến mãi sau này …
Quyển nhật ký rợn người của cô gái trẻ quyên sinh trên cầu Long Biên
Cây cầu sắt cổ nhất Hà thành, cầu Long Biên, có lẽ chẳng ai lạ lẫm vì nó đã là một biểu tượng bất diệt của Thủ đô Hà Nội. Hàng ngày, dòng người vẫn tất tả đi qua đây, cuộc đời mỗi người vẫn chảy trôi như dòng nước mẹ sông Hồng đỏ nặng phù sa. Cũng tại nơi đây, biết bao đôi uyên ương đã nảy nở tình cảm và rồi cũng chính nơi đây lại là nơi đặt dấu chấm hết đầy nước mắt oan nghiệt cho những cuộc tình éo le, ngang trái, là nơi giải thoát cho biết bao người đang luẩn quẩn bước đi trong cái vòng tròn của số phận không thể tìm ra lối thoát …
Buổi tối, các cặp uyên ương thường rủ nhau lên cầu Long Biên tâm sự và hóng gió. Vào những ngày trăng thanh, gió mát lúc nào cây cầu này cũng đông như hội cho đến tận khuya. Chẳng hiểu từ khi nào, gương mặt của những người bán hàng nước trên cầu, với tôi trở nên quá đỗi thân quen bởi những lần đi dạo, hóng gió tại đây. Tôi đã được nghe những câu chuyện về những cái chế tức tưởi bí ẩn của rất nhiều người trên cây cầu cổ xưa nhất Hà thành này.
Vì quá quen mặt với một cậu thanh niên ngày nào cũng có mặt tại đây khi hết trà chanh lại trà đá nên câu chuyện của tôi khiến những người bán hàng dần cởi mở hơn. Đặc biệt, tôi làm quen với hai mẹ con một người bán nước có vị trí rất đắc địa, phải nói là độc nhất vô nhị trên cầu Long Biên. Cậu thanh niên chủ quán quen tên Hùng, sinh năm 1992, đã thôi học từ lâu dù nhà ở Hà Nội. Ban ngày, Hùng vẫn chạy ô tô chở hàng thuê, tối lại phụ mẹ bán nước trên cầu Long Biên. Có thâm niên bán hàng trên cầu nên mọi ngõ ngách, những câu chuyện, những cảnh đời nơi đây Hùng đều biết cả.
Buổi tối hôm đó, như thường lệ, tôi trở lại điểm hẹn của những ngày trước đó. Hôm nay vắng khách hơn hẳn, có lẽ bởi trời hôm nay âm u. Các quán nước chỉ có lác đác một vài người ngồi. Quán nước của mẹ con Hùng cũng chỉ duy nhất có một vị khách là tôi.
Hôm nay, Hùng không nói cười nhiều như ngày thường. Mặc dù trời tối và ánh đèn trên cầu Long Biên leo lét vàng vọt tranh tối, tranh sáng nhưng tôi vẫn nhận ra rất rõ sự trầm ngâm khác thường của hai mẹ con. Đặc biệt, gương mặt Hùng chợt hiện lên sự sầu thảm hơn bao giờ hết. Ngay cạnh quán nước của mẹ con Hùng, tôi chợt để ý có mấy ném hương đang cháy dở bốc mùi thơm thoang thoảng …
Tôi tò mò: “Sao hôm nay lại thắp hương ở đây thế ông bạn?”. Tôi phải hỏi đến câu thứ hai, cậu mới trả lời: “Hôm nay có chuyện xảy ra ở đây anh ạ …!”. Rít một hơi thuốc dài, cậu kể: “Hôm nay em gặp chuyện buồn lắm anh ạ. Ở cái cây cầu này, có chuyện gì mà em chưa từng trải qua đâu. Chỗ mấy nén hương anh nhìn thấy, em vừa đổ cốc trà xanh xuống lòng sông Hồng …cúng một người bạn vừa mới tự tử hồi chiều ở chính chỗ đó đấy. Đấy cũng chính là chỗ bạn ấy ngồi hồi chiều nói chuyện với em mãi … Chưa bao giờ em có cảm giác sợ hãi như vậy”.
Nghe cậu nói xong, tôi bất chợt rùng mình và thấy lạnh ở sống lưng. Không biết có phải vì gió trên cây cầu thổi lồng lộng lại sắp mưa nên thấy lạnh hay tại vẻ mặt sầu thảm quá độ và câu nói của Hùng. “Cây cầu này (cầu Long Biên) những người bán nước vẫn thường văn vẻ gọi bằng cái tên khác là nơi bắt đầu để chờ kết thúc. Những cặp uyên ương đang mặn nồng tới đây uống nước rồi tâm sự tới tận đêm khuya mới về ấy, cũng không ít đôi ghi dấu tình yêu ở đây rồi lại tự tìm đến đây để tự tử. Chiều nay, cái chết của cô gái tên Mai đó thực sự em không thể hiểu nổi. Cuộc sống của con người sao mong manh quá. Chỉ tích tắc thôi mà cô ấy đã mãi mãi ra đi. Chẳng biết giờ này cô ấy đã trôi đến tận đâu dưới dòng nước sâu lạnh lẽo kia. Có lẽ phải vài hôm nữa người ta mới tìm được xác của cô ấy. Thường là vậy …”, Hùng kể với giọng đượm buồn.
Quán nước ở giữa cầu Long Biên thường xuyên chứng kiến những vụ nhảy cầu tự tử thương tâm. (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)
“Trước khi sang thế giới bên kia cô ấy còn tặng em một cuốn nhật ký với những câu nói lạ lùng nên nó vẫn lưu mãi trong tâm trí đến tận bây giờ. Những câu nói tưởng chừng như đơn giản ấy làm em cứ thẫn thờ suốt từ chiều đến giờ. Cứ định nhắm mặt lại vì mệt quá muốn nghỉ chút thì hình ảnh của cô gái ấy với ánh mắt luôn mơ màng nhìn về một cõi vô định nào đó, rồi cái nhếch môi cười nhạt khi nhắc về những khúc tình dở dang của bao đôi trai tài gái sắc. Cô ấy đứng ngay ở thành cầu này thôi và lúc nào hình ảnh ấy cũng như hiện ra trước mắt em khiến em giật mình sợ hãi’, cậu vừa rít một hơi thuốc cho bớt căng thẳng vừa nói.
“Gương mặt cô ấy trước lúc đi không hề phảng phất chút gì chán nản. Ngược lại cô ấy còn vui vẻ, hồn nhiên, vô tư, thậm chí còn nhí nhảnh như trẻ con. Cô ấy còn đi chơi riêng với em cả buổi chiều. Thế mà … “ùm” một cái, Mai bước qua thành cầu cứ nhẹ như có cái gì đó hút xuống dưới lòng sông kia, bỏ lại phía sau mình là những tiếng gọi thất thanh của mẹ con em. Khoảnh khắc ấy diễn ra quá nhanh và bất ngờ nên em chỉ biết nhìn theo mà bất lực”, Hùng thở dài.
“Buổi chiều trước khi Mai chết, lúc ấy em dọn hàng ra rồi, thấy một cô bé xinh xắn đứng một mình trên thành cầu, mắt không dời dòng nước đang chảy xiết như ghì chặt dòng nước ấy vào trong đôi mắt của mình. Em lại gần mời Mai uống nước vì nghi Mai có ý định tự tử. Nhưng khi em tiến lại gần và làm quen được thì cô gái xinh xắn tên Mai ấy nở nụ cười rất tươi và đùa: “Anh nhìn mặt em có giống người muốn tự tử không mà hỏi dở thế?”.
Nhìn nụ cười của Mai và nét mặt, tự dưng em lại quên sạch đi khả năng tự tử của cô ấy. Nhưng sau khi cô ấy nhảy cầu tự tử, ngẫm nghĩ mãi em mới thấy cô ấy có những biểu hiện mà mình không nhận ra kiểu như những câu nói vu vơ không thể trả lời được: “Không biết người ở dưới kia có uống được nước không anh nhỉ?”, hay “theo anh, cái được và cái mất, cái gì xa hơn?” … Nghĩ đến những câu nói ấy nên vừa nãy, em mới thắp cho cô ấy nén hương cầu mong cho linh hồn sớm được siêu thoát và mang nước cho cô ấy uống như lúc còn sống chỉ cách đây ít tiếng đồng hồ trước khi cô ra đi ..”, gương mặt Hùng đổi sắc.
Dường như vẫn bị ám ảnh tột cùng về một cái chết dị thường diễn ra ngay trước mắt, cậu nói tiếp: “Anh đã bao giờ được một người sắp chết tặng … quà chưa?”. Cô ấy trước lúc chết còn mượn em một cây bút viết … nhật ký tặng em đấy. Nhưng cô ấy “cấm” em không được mở đọc trước khi cô ấy “về”. Nhìn vẻ nhí nhảnh của cô ấy em chẳng nghĩ gì nên cũng bỏ qua rồi mải bán hàng. Hầu hết trong thời gian ấy, em và cô ấy luôn đứng gần nhau nên cô ấy không hề có biểu hiện gì lạ. Nhưng bỗng cô ấy kêu khát nước và xin em một cốc nước lọc để … uống thuốc. Không nghi ngờ điều gì nên em chạy lại chỗ mẹ em đang ngồi để rót nước.
Chưa kịp mang nước ra cho Mai thì chợt có tiếng hét thất thanh: “Có người nhảy cầu tự tử”, em chẳng còn hồn vía nào nữa khi nhìn rõ cảnh Mai trèo lên thành cầu Long Biên, quay lại nhìn em mỉm cười rồi nhảy thẳng xuống dòng sông Hồng đang chảy rất xiết. Ngay sau khi phát hiện có người nhảy cầu, nhiều người dân bãi giữa đã tìm mọi cách để cứu nhưng vô hiệu. Lòng sông thì rộng mà sức người thì nhỏ bé. Cô ấy chìm hẳn dưới dòng nước sâu của sông Hồng mất rồi. Giờ em chẳng dám nhìn xuống dưới lòng sông. Chỉ cần bước qua chỗ cô ấy vừa ngồi lúc nãy trước khi nhảy cầu tim em chẳng hiểu vì sao run bắn rồi. Người ta bảo chết trẻ như vậy thiêng lắm… Lúc Mai đi, đồng hồ điểm đúng 5h20”.
Mải nghe câu chuyện của Hùng, đồng hồ đã nhích dần sang con số 11h30 đêm. Trời đã khuya, những nén hương cũng đã tàn, người bán hàng trên cầu đã lục tục kéo về hết cả. Mẹ con Hùng cũng đã đến lúc phải về nên tôi đành phải chờ đợi sang ngày hôm sau mới lại được gặp Hùng để nghe hết câu chuyện …
Một tuần sau, tôi quay trở lại gặp Hùng. Gương mặt của hai mẹ con Hùng đã bớt căng thẳng sau cái chết của cô gái tên Mai. Mặc dù tôi chưa kịp hỏi gì, nhưng nhận ra người quen, Hùng đã kể luôn: “Từ hôm ấy đến giờ đêm nào em cũng nằm mơ anh ạ. Cứ chợp mắt là hình ảnh Mai với tiếng cười lúc thì khanh khách, lúc lại nhếch môi mỉm cười, lúc là đôi mắt trũng sâu, lúc lại là đôi mắt trắng dã rồi cả khi là đôi mắt u buồn đầy tức tưởi … hiện về nhìn em. Nghe nói xác cô ấy được tìm thấy ở mãi Thái Bình. Em cũng đã xem cuốn nhật ký Mai để lại. Trong đó có số điện thoại của một người con trai tên Tình, hiện ở Hà Nội và những dòng tuyệt mệnh.
Mai viết để gửi tặng cậu con trai kia: “Em mong anh sống hạnh phúc, nhưng nhìn anh hạnh phúc bên người khác lòng em đau lắm. Em không thể đứng nhìn người mà em yêu hàng ngày tay trong tay với người con gái khác. Cuộc sống không có anh nó vô nghĩa lắm anh à. Nhiều lần em tự hỏi, em tồn tại trên đời này để làm gì, ngày mai mình sẽ làm gì? Em đi đến một nơi tốt đẹp hơn đây anh ạ. Nơi ấy sẽ không có sự giả dối, ở nơi ấy con người sống với nhau bằng sự chân thành. Ở thế giới này anh hãy sống thật hạnh phúc nhé, dù ở nơi đâu em mãi dõi theo cuộc sống của anh!”…
Nhung dòng chữ làm em ớn lạnh nhất đó là Mai viết để cảm ơn em: “Cảm ơn anh nhiều! Vào lúc cuối đời khi em buồn nhất đã được làm bạn với anh. Hi vọng kiếp sau chúng ta sẽ lại được làm bạn. Biết đâu là người yêu cũng nên anh nhỉ … Em thấy anh nói chuyện hợp với em đấy nhé”. Đọc xong những dòng chữ đó, em sởn da gà vì cái chết của Mai đã được báo trước mà em không hề hay biết … Ngay chiều hôm sao, mặc dù mưa gió em lại phi xe qua chỗ Mai chết, mua một ít hoa quả và gạo muối để thắp hương cho cô ấy mong cho cô ấy sớm được siêu thoát. Nghe nói gã thanh niên tên Tình kia sau đó đến thắp hương cho Mai nhưng bị người nhà tống cổ ra ngoài …”.
Hùng cười buồn: “Ở đây thi thoảng vẫn liên tục có người chết. Nhưng kiểu như của Mai thì rất lạ khác hoàn toàn so với những vụ khác. Có hôm ngay tại chỗ Mai nhảy cầu có đến hai ba vụ trong ngày. Có người thì được cứu, có người thì cũng kết thúc số phận như Mai. Dân bán hàng trên cầu vẫn gọi chỗ bán nước nhà em là điểm đen bởi nó nằm chênh vênh giữa cầu. Nhảy xuống dưới kia thì chắc chắn chỉ có đường chết chứ không ai cứu được”.
“Bác đừng cản cháu”
Mẹ Hùng cũng kể cho tôi nghe thêm không ít câu chuyện bi thương về những người đã kết thúc cuộc đời mình tại đúng cạnh … chỗ tôi đang ngồi uống nước: “Ở đây nhiều cảnh éo le lắm. Cả trai, gái rồi thanh niên trẻ măng cũng lên đây nhảy cầu tự tử đấy. Mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng họ chết như vậy làm đau lòng cả gia đình chứ giải quyết được gì đâu. Cách đây ít hôm trước lúc Mai chết, có một cặp đôi rủ nhau đến đây uống nước. Cậu con trai cứ khóc. Tầm 8h tối thì cô con gái đứng dậy nói: “Chúng ta chia tay đi. Tôi đã nói rõ rồi đấy. Anh đừng cố gắng làm gì nữa. Tôi phải đi về đây”.
Dứt lời cô gái quay lưng bỏ đi để mặc cậu con trai ngồi thẫn thờ nhìn theo. Không như Mai, cậu này nói với bác với giọng ngân ngấn nước mắt: “Hôm nay là ngày cháu sẽ chết ở đây. Tại chính chỗ này. Bác đừng cản cháu. Cháu chết rồi sẽ phù hộ cho bác bán hàng”. Chưa kịp nói dứt lời, cậu ta đứng phắt dậy nhảy qua lan can cầu tự tử. Mọi chuyện chỉ diễn ra trong chưa đầy vài giây khiến bác choáng váng ú ớ không kịp nói được câu nào. Theo phản xạ bác với tay theo định túm cậu ta lại nhưng quá muộn …”.
“Có không ít vụ xảy ra làm tôi bất ngờ đến rụng cả tim. Có trường hợp, một cặp đôi nhìn đẹp lắm. Cả buổi tối nói chuyện rõ vui vẻ, quấn với nhau như sam ấy. Nhưng một lúc sau người con gái lấy chiếc xe SH còn mới cứng đi về phía Hà Nội để lại cậu con trai ở đó. Chỉ sau đó ít phút, đùng cái cậu ta nhảy xuống sông Hồng. Quả thực bác không thể hiểu nổi cái gì đã xảy ra ở trước mắt mình nữa vì trước đó mọi biểu hiện của họ hoàn toàn bình thường. Có người lại bế cả con ra đây nhảy cầu tự tử nhưng may là có người ngăn kịp. Sau này mới biết vì ghen tuông với chồng nên chị này mới định mang theo đứa con quyên sinh. Chẳng hiểu họ nghĩ gì mà làm vậy. Đứa bé có tội tình gì đâu cơ chứ … Chứng kiến nhiều cảnh đời oan trái và những cái chết tức tuổi, chẳng hiểu từ bao giờ cứ nhắc đến mấy chuyện này là đầu y như rằng lại đau buốt hai thái dương”, mẹ Hùng kể với giọng nghẹn ngào.
Dị nhân “ngửi” được mùi người sắp tự tử
Trong ánh đèn vàng vọt trên cầu Long Biên, không khó để nhận ra thành cầu là những ổ khóa đã được khóa trái mất chìa của các cặp tình nhân khóa lại với mục đích như là một minh chứng cho tình yêu mãi mãi chẳng lìa xa của mình. Thế nhưng chỉ cần vài một phút giận hờn, những ổ khóa đó sẽ mãi chẳng là gì và thậm chí những cặp trai tài, gái sắc kia trả giá bằng mạng sống của chính mình. “Năm nào ở đây cũng có người tự tử. Thời gian đầu, mẹ con em mới lên cầu bán hàng cũng hãi hùng bao đêm vì chỗ bán hàng của mình thường xuyên có người chết. Nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải đến bán như bình thường. Chứng kiến nhiều vụ tự tử nên mẹ con em cũng cứu được không ít người anh ạ. Có cách cả đấy. Nói anh không tin chứ nhiều người trên cầu vẫn đùa nhau nói mẹ con em có khả năng … “ngửi” được “mùi” người sắp tự tử để ra tay can ngăn”, Hùng tâm sự.
“Khả năng đặc biệt” của mẹ con Hùng được “hình thành” bất đắc dĩ bởi họ đã chứng kiến nhiều trường hợp nhảy cầu tự tử mà chủ yếu là người trẻ. Ngay chính mẹ con Hùng cũng không biết mình có khả năng đặc biệt đó. Thông thường, Hùng cho biết, những người sắp nhảy cầu tự tử thường có mùi không giống những người bình thường. Họ thường có vẻ mặt u sầu thiểu não. Ánh mắt họ thường khi đó lạ lắm, phảng phất cái gì đó u uẩn, vô định. Có những đôi mắt thì trũng sâu thâm quầng vì suy nghĩ nhiều đêm để đi đến con đường tuyệt mệnh và chắc chắn sẽ nhìn đắm đuối xuống dòng sông Hồng đang chảy xiết mà không quan tâm đến những người quanh mình”.
“Những người có ý định tự tử ở trên cầu Long Biên thường đi bộ thẫn thờ một mình và thường chọn đứng “hóng gió” ở đoạn giữa sông. Nhưng đến giữa cầu mà tự dưng dừng lại lâu y như rằng đang có ý định tự tử”, Hùng kể về khả năng đặc biệt của mình. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, những người muốn tự tử lại có thái độ, biểu hiện rất quái nhưng vẫn có thể phát hiện ra được nếu tinh ý. “Như trường hợp của cô gái tên Mai vừa rồi là rất hiếm hoi đây. Thường nếu tinh ý sẽ nhận ra ngay ý định của người tự tử. Cái này còn là do cảm giác của từng người. Thằng Hùng nó mấy lần ngăn kịp được người tự tử rồi đấy. Có người cứ lững thững đi bộ một mình chẳng có biểu hiện gì cả. Có người trước khi tự tử thường đi đến nơi muốn quyên sinh tận ba bốn lần mới nhảy cơ. Thường họ hay chọn nhảy cầu vào tầm nhá nhem tối để không ai có thể cứu được. Thằng Hùng nhìn bộ dạng là biết ra nên nhiều lần cứu được”, mẹ Hùng chia sẻ kinh nghiệm cứu người tự tử.
Nghe những cái chết tức tưởi dại dột của những người trẻ tuổi, tôi thực sự bị ám ảnh với cái tên mà những người bán nước đặt cho cây cầu sắt cổ nhất Hà thành này: “Nơi bắt đầu để chờ kết thúc” để ám chỉ nơi mà những người có ý định tự tử hay tìm đến.
“Mẹ con em có thể phát hiện ra và cứu được nhiều trường hợp nhảy cầu tự tử nhưng có trực cả ngày ở cầu đâu mà cứu hết được hả anh. Cái quan trọng chính là những người có ý định tự tử. Họ không chết bằng cách này thì sẽ lại tìm cách khác để chết thôi. Nhưng việc mình làm vẫn phải làm. Thấy chết mà không cứu là có tội anh ạ … Cứu được không ít người rồi khuyên họ quay về thành công nhưng cứ nhắc đến Mai là em thấy rùng mình như thấy mất một cái gì đó. Và câu chuyện như mới diễn ra hôm qua. Mẹ em mỗi lần nhắc đến cô bé ấy là đầu ong ong buốt nhói. Ước gì cô bé ấy bình tĩnh một chút thì sẽ khác anh nhỉ?”, Hùng thở dài.
Tôi cứ ngẩn ngơ mãi về câu hỏi của Hùng: “giá mà người ta bình tĩnh hơn một chút có lẽ khác anh nhỉ?. Cuộc đời còn bao nhiêu thứ chưa làm được. Ai cũng chỉ sống có một lần, tại sao lại chết tức tưởi như vậy chứ?”.
Câu hỏi ấy không chỉ khiến tôi day dứt mà còn rất nhiều người khác sẽ phải suy nghĩ rất nhiều … Đồng hồ đã điểm 12h khuya, lúc này trên cầu Long Biên chỉ còn tôi, mẹ con Hùng và một vài cặp uyên ương đang cố ngồi. Nhìn sang bên kia cầu Chương Dương sang bóng đèn những dòng xe đi lại nhưng giữa cầu Long Biên và cầu Chương Dương là một khoảng rộng lớn ngay trước mặt tôi, nó tối om u tịch như cuộc đời của những con người dại dột kia. Gió về đêm càng lồng lộng khiến tôi chợt rùng mình gai lạnh, da gà nổi lên khi nghĩ đến giữa màn đêm đen kia, liệu sẽ phải nhận thêm những sinh linh dại dột nào nữa không trong những ngày tiếp theo.
Theo Pháp luật & Cuộc sống