Chuyện chưa biết về thân thế của siêu lừa Huyền Như
Tranh thủ về nhà nghỉ ngơi để chiều tiếp tục dự khán phiên tòa xử con gái, bà Nguyễn Thị Lang (SN 1950), là mẹ ruột của Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978) - là bị can chính vụ đại án mà TAND TP.HCM đang xét xử, đã có cuộc trò chuyện, trải lòng với PV.
Cuộc trò chuyện diễn ra ngay tại quán cà phê mái tranh, rộng chừng 100m2 gần UBND P.22, Q.Bình Thạnh là nơi buôn bán, cũng là nơi ăn chốn ở của bà.
Bà Nguyễn Thị Lang – mẹ ruột của siêu lừa Huyền Như.
Mở đầu, bà Lang bức xúc khi cho rằng, xảy ra vụ án, có nhiều tờ báo khai thác về chuyện đời tư của Huyền Như và của gia đình bà. Có những điều hoàn toàn không đúng sự thật hoặc sai lệch như: chuyện bà có nhiều đời chồng, hay đề đóm; chuyện người chồng không hôn thú của Huyền Như đã lấy vợ khác, hay chuyện “mẹ nào, con nấy”…
“Nhiều người hỏi tôi, con bị bắt, sắp đối diện với án tử mà mẹ vẫn bán nước bình thường, sao không đóng cửa nghỉ đi? Tôi chỉ biết nói: “Con tôi làm sai đành phải chịu”, nhưng vì cuộc sống tôi có mỗi quán nước để kinh doanh nếu không bán thì lấy gì mà sống”, bà Lang trải lòng.
Tiếp đó, bà Lang kể về gia đình. Bà tham gia cách mạng từ năm 1963, tên thật là Nguyễn Thị Mướt, lấy bí danh là Nguyễn Thị Lang. Ban đầu bà làm liên lạc viên, rồi đi học và làm y tá quân đội. Giữa năm 1967 bà được kết nạp Đảng. Sau này bà Lang làm cán bộ ở hội phụ nữ P.22, Q.Bình Thạnh cho đến khi nghỉ hưu về bán quán nước kiếm sống.
Bà Lang nói, bà có một người chồng duy nhất là ông Huỳnh Ngọc Kim. Ông Kim trước đây cũng là bộ đội; bị bệnh và qua đời gần chục năm trước.
Nói về con gái Huyền Như, bà Lang tâm sự: “Nó là một đứa rất giỏi, nhưng do sai lầm trong làm ăn nên rơi vào vòng lao lý”. Giọng người mẹ “siêu lừa” trùng xuống: “Tôi cũng rất buồn nhưng đành phải chịu, “con dại cái mang”, “bụng làm dạ chịu” chỉ mong sao con tôi được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước”.
Quán nước kiếm sống của bà Lang hiện nay.
Siêu lừa Huyền Như kéo người chị ruột là Huỳnh Mỹ Hạnh dính vào vụ đại án.
Bà Lang cũng giải bày, từ ngày Huyền Như bị bắt, có nhiều đồn thổi xung quanh gia đình bà, cũng kể từ đó quán nước kiếm sống của bà trở nên vắng vẻ hơn…
Kết thúc cuộc trò chuyện, bà Lang nhìn lên đồng hồ, lẩm nhẩm “lại tới giờ vào tòa”. Rồi bà tất tả chuẩn bị đến tòa cho kịp giờ dự khán phiên tòa xử con gái mình.
Không chỉ có một đứa con gái là Huyền Như, bà Lang có 1 người con khác (chị gái Huyền Như) cũng dính vào vòng lao lý trong vụ đại án gây xôn xao dư luận này.
Tại phiên khai mạc phiên tòa ngày 6/1, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như khai bị bắt giam ngày 30/9/2011. Trong thời gian tạm giam (tháng 1/2012) Như đã sinh một bé gái tên là T.X.M, nhưng chưa làm được giấy khai sinh bởi cháu bé được sinh trong thời gian bị tạm giam. Theo thông tin của PV, hiện cháu M. đang ở sống cùng bị cáo Như tại trạm tạm giam Bộ công an phía Nam và được chăm sóc tốt. Còn theo quy định pháp luật, các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, không có người nuôi dưỡng được mang con vào trại. Trại giam chỉ được phép nuôi dưỡng cháu bé cho đến khi tròn 36 tháng tuổi. Qua khỏi tuổi này, các phạm nhân thụ án phải tìm cách gửi con về địa phương cho thân nhân tiếp tục nuôi dưỡng. Trường hợp những đứa trẻ không còn thân nhân nhận nuôi, bắt buộc những người có trách nhiệm trong trại giam phải lập hồ sơ gửi trẻ vào các trung tâm bảo trợ xã hội, để cháu bé được giáo dục và có điều kiện học tập. |
Theo Vũ Đoan - Anh Sinh (Vietnamnet)