Nhắn tin, chải tóc, mặc quần áo, sơn móng chân, trang điểm, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… là những công việc bình thường, chẳng có gì khó khăn đối với một cô gái lành lặn. Thế nhưng, với Phan Tường Vy (SN 1995, sống ở Đà Lạt) lại là một quá trình nỗ lực, tập luyện không ngừng nghỉ gần 20 năm qua.
"Thiên thần không có cánh" bước qua bóng tối
Hai bàn tay Tường Vy bị teo nhỏ, gần như không thể sử dụng được từ khi 8 tuổi sau một lần bị sốt. Dù đã qua nhiều lần chữa trị và phẫu thuật, đến giờ đôi bàn tay ấy vẫn không thể cầm nắm được.
“Từ khi đôi bàn tay bị teo, tôi bắt đầu dùng chân để làm việc như một phản xạ. Ban đầu còn lóng ngóng, dần dần, tôi học được cách điều khiển các ngón chân linh hoạt, cầm nắm vật cũng dễ dàng hơn. Khi 8 tuổi, tôi dùng chân để chơi, vẽ, viết. Lớn hơn tầm 11, 12 tuổi, dùng chân để lau nhà, rửa chén, nấu ăn. Tôi cứ làm từ việc dễ đến việc khó đến lúc nào thuần thục cũng không rõ”, Tường Vy kể.
Theo lời Tường Vy, cô chưa làm đổ, vỡ đồ gì bằng chân cả chỉ có dùng tay mới hay đổ vỡ vì khó điều khiển. Không dừng lại ở những việc liên quan đến sinh hoạt hàng ngày, Tường Vy còn có thể làm tóc bằng chân, tự trang điểm cho bản thân.
“Từ lúc 15, 16 tuổi, tôi đã được nhìn mẹ trang điểm cho khách hàng. Tôi cứ ngồi đó xem đến một ngày tôi quyết định thử dùng đôi chân thực hiện cách bước như mẹ làm xem sao. Lúc đầu cũng khó khăn lắm nhưng dần dần tôi cũng đánh được kem nền, đánh khối, cầm được chì kẻ chân mày, kẻ mắt. Tôi lên mạng xem các chuyên gia trang điểm rồi học theo. Thật may, trước đây, tôi đã từng học vẽ tranh từ họa sĩ nên việc kẻ chân mày - bước khó nhất trong trang điểm lại hóa bình thường vì chân mày đã có khung sẵn rồi”, Tường Vy tâm sự.
Khi tìm đến với niềm yêu thích trang điểm, đó là khi Tường Vy đã bước qua bóng tối của đời mình. Bởi ở tuổi đó, cô phải đối diện với những lời trêu trọc, ánh mắt soi mói. Tường Vy tự ti và dần thiếu tự tin khi xuất hiện, đặc biệt là trước người khác giới. Khi ra đường, hầu như cô đều mặc áo dài tay, lúc đi khoanh tay lại để giấu đi sự khác biệt.
“Lúc đó mình hay ngại lắm, đi qua chỗ nào có các bạn nam lại càng run, chỉ dám chạy thẳng một mạch không dừng lại vì sợ bị chê cười, trêu chọc”, Tường Vy kể.
Không những bị bạn bè cô lập, Tường Vy còn nhận được những lời phán xét: “Đã bị tật rồi còn không biết thân biết phận, lại còn đi ăn mặc đẹp, trang điểm. Sao không làm thế nào cho người ta thương đi, cứ để người ta ghét”.
Bao đêm khóc thầm, rồi tự làm đau bản thân để xoa dịu những mặc cảm trong lòng, thậm chí có lúc Tường Vy nghĩ đến việc “chết quách đi cho xong”. Nhưng rồi, cô thức tỉnh nhận ra: “Mình là con gái mình có quyền làm đẹp, không ai cướp được cái quyền đó cả. Chả nhẽ, những người con gái bình thường mới được phép ăn mặc đẹp và trang điểm còn người như mình thì không, phải tỏ ra đáng thương hay sao.
Tại sao mình phải nghe người ta nói, mình làm đẹp cho bản thân mình. Ai thích thì ngắm, không thì thôi. Mẹ mình nuôi mình còn chưa nói, sao họ lại nói. Mình cần ở họ sự đồng cảm thực sự, thương một cách chân thành chứ không phải cần sự thương hại bố thí. Mình muốn họ yêu mến, quý mình bằng cách sống cũng như nghị lực của mình”.
Tường Vy cứ tự tìm cho mình những suy nghĩ tích cực rồi tự mình bước ra khỏi bóng tối. Tốt nghiệp cấp 3, cô theo học ngành Thiết kế đồ họa tại Đại học Văn Lang (TP.HCM). Để thuận tiện thao tác trên máy tính, cô sử dụng bàn phím ảo. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tường Vy bắt đầu kinh doanh online và hay livestream trên mạng để phụ giúp kinh tế gia đình.
Hành trình chăm con của bà mẹ đơn thân đặc biệt
22 tuổi, Tường Vy có được mối tình đẹp như cổ tích vì nhận được sự ủng hộ của mọi người. Thế nhưng, mối tình này lại không có cái kết đẹp, bởi người bạn trai đó đã làm gây ra sai lầm, niềm tin bị sụp đổ, cuộc tình không thể cứu vãn. Sau chia tay 1 tháng, cô phát hiện mình có thai, lúc này đã được 16 tuần tuổi. Bạn trai cũ không muốn cô giữ đứa bé lại vì công việc anh chưa ổn định, sợ không thể chăm lo.
“Thực ra khi đó mình chỉ thông báo cho anh ấy biết vậy thôi chứ xác định luôn là sẽ tự nuôi con. Mình cũng không muốn kết hôn vì từng tìm hiểu nhiều người rồi cũng chẳng đi đến đâu. Người bình thường khi lấy chồng còn chưa chắc hạnh phúc, mình lại như vậy, nên không muốn tìm hiểu ai nữa”, Vy bày tỏ.
Tường Vy chia sẻ có lần tâm sự với mẹ cô đã nghĩ đến chuyện sau này nhận con nuôi vì bác sĩ từng bảo khả năng sinh con của cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lần phẫu thuật. Thế nên, khi được làm mẹ, Tường Vy không dám tin đó là sự thật.
Trong thời gian mang thai, Tường Vy luôn giữ tinh thần lạc quan. Giai đoạn khó khăn nhất với cô chính là lúc đón con chào đời bằng phương pháp sinh mổ. "Hai ngày sau mổ, tôi mới dậy tập đi được. Việc sử dụng chân cũng khiến cho viết mổ mau lành", bà mẹ 9X cho hay. Với sự trợ giúp từ bà ngoại Gia Huy, Tường Vy cũng phần nào được san sẻ bớt những lo toan khi bước vào hành trình mẹ bỉm.
"May mắn, tôi từng có kinh nghiệm chăm hai em để mẹ đi làm, cũng có giai đoạn phụ các nữ tu trong tu viện chăm các bé sơ sinh bị bỏ rơi... nên với tôi mà nói, thời điểm có con, chăm con cũng không quá khó khăn. Dù có bà ngoại nhưng mỗi khi bà vắng nhà, mình vẫn tự làm hết cho con từ tắm rửa, cho con bú, cho con ngủ, chơi cùng con...", Tường Vy chia sẻ.
Nói về cậu con trai của mình, cô cảm thấy mình may mắn vì con là đứa trẻ ngoan, không quấy khóc nhiều lại dễ ăn, dễ nuôi. “Bé Gia Huy từ khi còn rất nhỏ đã có thói quen tự chơi một mình chứ không bám mẹ hay bà ngoại quá nhiều. Điều này cũng giúp tôi yên tâm hơn về con”, Tường Vy tâm sự.
Hiện, mong muốn lớn nhất của bà mẹ đơn thân là có thu nhập ổn định để lo cho bản thân và con trai. Nếu dư dả, cô muốn làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ cũng muốn truyền cảm hứng, sự lạc quan đến nhiều người, đặc biệt là những cô gái có hoàn cảnh tương tự để có thể vươn lên trong cuộc sống.