Vị phụ huynh gặp phải tình huống hi hữu nói trên sống tại Nam Xương, Giang Tây, Trung Quốc. Chị là mẹ đơn thân, vừa nuôi con vừa phải gánh vác kinh tế. Mỗi ngày chị phải làm việc đến 10h đêm, khi cả thể chất lẫn tinh thần đều đã kiệt quệ, nên không có thời gian dạy kèm cậu con trai đang học lớp 3.
Trong khi đó, giáo viên dạy Toán cho rằng đây là trách nhiệm của cha mẹ. Họ phải tự cân đối thời gian để dạy kèm con, xem lại bài vở các môn mà con học trong ngày sau đó ký vào vở xác nhận đã kiểm tra.
Tối 3/11, khi về đến nhà chị Ming bất ngờ nhận được thông báo từ giáo viên yêu cầu chị phải viết bản tường trình vì không xem bài tập và ký xác nhận. Việc phụ huynh chữa bài tập cùng trẻ cũng là quy định của nhà trường nên bà mẹ này buộc phải làm theo yêu cầu trên.
Trong bản tường trình, chị Ming thừa nhận thiếu sót nhưng cũng trình bày hoàn cảnh của bản thân. “Gia đình của chúng tôi rất đặc biệt. Hiện tại là 21h18, tôi vẫn đang ở nhà máy và chưa ăn tối. Hôm qua, gần 0h tôi mới trở về nhà với cơ thể mệt mỏi. Ông bà thì tuổi cao sức yếu, trình độ học vấn không đủ để kèm cháu học. Đó là lý do tôi không xem và ký nhận vào bài tập của con trai ngày hôm qua. Tôi rất xin lỗi”.
Về phía giáo viên dạy Toán, người này giải thích đã phải sửa 1 lỗi sai cho con trai chị Ming tới 2 lần nên yêu cầu chị viết tường trình để hiểu vì sao phụ huynh không quan tâm việc học của con: “Nếu biết hoàn cảnh của cháu, tôi sẽ có cách cư xử khác”, giáo viên này cho biết thêm.
Người này khẳng định mục đích của việc yêu cầu bố mẹ sửa bài tập và dạy con học là để nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp trẻ hiểu biết hơn, cũng là tiết kiệm thời gian để dạy thêm kiến thức. Vị giáo viên dạy Toán thừa nhận, việc giảng dạy trên lớp khá cẳng thẳng, thậm chí gần như không có thời gian uống nước giữa các tiết.
Theo đại diện ban giám hiệu nhà trường, việc này cũng là để cha mẹ hiểu, quan tâm hơn về tình hình học tập của con. Hiện, phía nhà trường đã tiếp nhận sự việc và đang làm rõ để tìm hướng xử lý.
Sự việc sau đó đã tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội Trung Quốc. Đa số ý kiến bày tỏ, thực tế cha mẹ rất bận rộn, không có nhiều thời gian rảnh rỗi như giáo viên vẫn tưởng tượng. Việc nhà trường và giáo viên yêu cầu kèm cặp con cái càng khiến cho cuộc sống của họ thêm áp lực.
Minh Hoa (t/h)