Clip: Lời tâm sự chát lòng của bà mẹ 84 tuổi chăm hai con tâm thần
Xót lòng tiếng gọi "Mẹ ơi"
Ngôi nhà số 11, ngõ 135 đường Hoàng Hoa Thám, tổ dân phố 37, phường Ngọc Hà, quận Đống Đa, Hà Nội của bà Đỗ Thị Mai (84 tuổi) từ nhiều năm nay vẫn nằm lặng lẽ để chứng kiến biết bao thăng trầm trải dài trong suốt cuộc đời người phụ nữ ấy. Nơi ở của bà được chia làm ba căn phòng nhỏ, phòng bà ở, phòng cho con trai lớn bị tâm thần, phòng còn lại là chỗ ở cho người con trai thứ 3.
Bà Mai sinh được 6 người con, 4 trai, 2 gái thì có 2 người con trai bị tâm thần, 1 người ở nhà bà chăm sóc, 1 người bà gửi vào bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Một người con trai khác cũng không được minh mẫn, kiếm sống bằng nghề bơm vá xe đạp, xe máy ở ngay đầu ngõ 135. Hai cô con gái lấy chồng nhưng cuộc sống gia đình không được khá giả, thậm chí một người sống ly thân chồng, phải tự thuê nhà để ở và mưu sinh bằng những buổi bán bánh mỳ.
Người con trai thứ 4 là anh Nguyễn Ngọc Toàn (SN 1962) tâm trí bình thường, nhưng vì làm lái xe thuê với thu nhập ba cọc ba đồng, lại có gia đình riêng nên anh không thể hỗ trợ mẹ và các anh chị cũng như em trai, dù anh cũng ở chính trong căn nhà số 11 ấy.
Từ khi chồng mất vì căn bệnh viêm phổi cách đây 1 năm, bà Mai một mình chèo lái con thuyền gia đình trụ vững giữa biết bao sóng gió.
Khi chúng tôi tới, bà Mai đang ngồi gọt su hào để chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Bà bảo, bữa cơm của gia đình bà chỉ gồm rau và muối vừng, cứ cách 2 – 3 ngày mới có được bữa thịt. Trong nhà lúc nào cũng có hai nồi cơm hoạt động. Nồi để nấu cơm chín, nồi đựng cơm nguội để khi có tiếng gọi “Mẹ ơi” bà lại có cơm, có nước mang đi.
Tiếng gọi ấy cất ra từ căn phòng rộng chừng 5m2, chỉ cách vị trí ngồi của bà Mai khoảng 5m. Tiếng gọi ấy là của anh Nguyễn Ngọc Tâm (SN 1953) - con trai cả của bà Mai. Người đàn ông 64 tuổi ấy được phát hiện mắc bệnh tâm thần từ khi học lớp 7.
Kể về đứa con trai lớn của mình, bà Mai không giấu nổi niềm tự hào ẩn sau đôi mắt buồn.
“Nó học giỏi lắm, ngày còn đi học được học sinh giỏi đấy. Nhưng đã có lần nó phát bệnh mà bỏ đi tới tận cánh đồng ở Hà Đông, vợ chồng tôi phải nhờ cả công an tìm giúp, mãi mới thấy. Cánh cửa phòng nó cứ phải khóa trái suốt, mở ra tôi sợ nó lại đi đâu mất, thân già này một mình không tìm được con.
Tôi chẳng có đêm nào được ngủ ngon giấc vì sợ khi con gọi “Mẹ ơi” mà tôi không dậy mang thức ăn, nước uống cho con thì con lại đói, lại khát.
Nó không ăn ra bữa cụ thể nên nhiều khi cứ phải như thế. Có lúc hàng xóm thấy tôi đêm khuya, mưa gió cũng lọ mọ ra ngoài mang thức ăn cho con, sợ tôi cảm, tôi ốm nhưng biết sao được. Cuộc sống là vậy mà”, nói tới đây, bà Mai lom khom đứng dậy với tay lấy cốc nước và chiếc bánh ở ngay giường để mang sang cho anh Tâm, vì anh vừa cất tiếng gọi “Mẹ ơi”.
64 tuổi nhưng người ta chỉ thấy anh nói nhiều được 2 từ ấy và kèm theo là những cái gật, lắc đầu, là ánh mắt vô hồn nhìn chúng tôi mỗi khi chúng tôi muốn tiếp cận gần anh hơn.
Phía đối diện căn phòng anh Tâm là phòng của anh Nguyễn Ngọc Giao (SN 1958). Anh Giao làm nghề bơm, vá xe đạp, xe máy ở ngay đầu ngõ. Đi qua căn phòng ấy, bà Mai chỉ có một ý niệm duy nhất: “Ngày trước ông Tuấn (chồng bà Mai – PV) sống ở phòng này. Giờ ông ấy mất rồi, một mình thằng Giao ở. Thằng Giao cũng có vợ người Hưng Yên nhưng vợ nó bỏ vì mãi không có con. Có quãng thời gian, chồng ốm, con bệnh... tôi thấy mình như kiệt sức mà vẫn phải cố gắng để lo cho vẹn toàn cuộc sống của mỗi người”.
Nói rồi, bà Mai lại lom khom cầm ca nước không trở về căn nhà của mình, căn nhà chỉ rộng chừng 12m2, có gác xép, là nơi vợ chồng người con trai làm nghề lái xe của bà sinh sống.
Cả một đời chăm người ốm
Người con út Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1971) được bà gửi ở bệnh viện Tâm thần Hà Nội từ năm 1997 tới nay. Mỗi tháng, bà lại một mình lên thăm con. Mỗi lần nhìn con, gọi con nhưng con không nhận ra mẹ, tim bà lại quặn thắt.
“Năm 19, 20 tuổi, khi nó đang ngồi xem tivi với một người hàng xóm, tự nhiên nó quay sang đánh người. Hỏi lý do vì sao đánh thì nó bảo, anh ấy nói con ăn trộm xe. Tuy nhiên, người hàng xóm khẳng định không nói thế nhưng thằng Thắng cứ bảo rõ ràng nghe thấy.
Chúng tôi mang câu chuyện của con hỏi các bác sĩ về tâm thần thì được biết, bệnh tự nghe tiếng nói là bệnh nặng”, bà Mai nhớ lại.
Bà Mai cho biết, căn nhà bà đang sống thuộc khu tập thể xe điện, được chính quyền địa phương sửa chữa giúp. Gia đình bà cũng thuộc diện hộ nghèo của phường. Hàng tháng, tiền trợ cấp của bà và 2 người con trai cũng được gần 2 triệu đồng, cùng với 2,7 triệu đồng tiền lương hưu. Với bà, mức chi phí ấy chẳng thể đủ để trang trải cho cuộc sống của cả một gia đình với biết bao người ốm đau như thế.
“Cả một đời chăm người ốm...”, bà thở dài, tiếng thở dài xen lẫn tiếng gọt rau đều đều.
Cuộc sống với đầy biến cố như thế nhưng bà Mai cũng rất... khái tính. Nhiều người thương hoàn cảnh bà, có cho quà nhưng nhiều khi bà không nhận.
Khi chúng tôi hỏi vì sao bà không tính chuyển đi ở nơi khác rộng rãi hơn để có điều kiện chăm sóc cho các con, bà cười buồn: “Chúng tôi ở đây quen rồi. Như thằng Giao mà chuyển đi thì làm được nghề gì? Nó vá xe ở đây quen khách còn có chút tiền, có khách. Nhiều hôm, đêm vẫn có khách quen gõ cửa để vá xe”.
Trước khi chúng tôi rời đi cũng là lúc anh Giao vừa đi sửa xe về. Đỡ suất cơm bụi con trai vừa đưa với ca nước canh, bà Mai cười bảo: “Đấy, nó mua cơm về ăn đấy”.
Trao đổi với phóng viên, chị Phùng Hoàng Hòa – cán bộ xã hội phường Ngọc Hà xác nhận hoàn cảnh gia đình bà Đỗ Thị Mai và cho biết, xã cũng có những hỗ trợ khi gia đình yêu cầu đột xuất.
Nguyễn Huệ