Ghềnh Ráng có diện tích gần 35ha, là một quần thể sơn thạch thuộc dãy núi Xuân Vân. Dưới chân ghềnh là bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh, phong cảnh đẹp hữu tình, khí hậu mát mẻ. Từ Ghềnh Ráng, du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp đầy sức sống của phố biển Quy Nhơn. Năm 1927, Ghềnh Ráng đã được Vua Bảo Đại chọn là nơi nghỉ dưỡng. Tương truyền rằng, bãi tắm Hoàng Hậu là nơi bà Nam Phương - vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến VN chọn làm bãi tắm riêng. Năm 1991, Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia.
Bãi Tiên Sa có thể ví như một “Nha Trang thứ hai” của Quy Nhơn. Những hàng thông xanh ngắt trải dài, từng bờ cát trắng xóa, lấp lánh trong ánh trưa, gió biển lồng lộng... Đến bãi Tiên Sa, du khách sẽ tự mình chiêm nghiệm được vì sao, bãi biển này lại có cái tên đậm màu cổ tích đến như vậy.
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng những cảnh quan trời ban, Ghềnh Ráng còn làm nặng lòng du khách bởi là nơi thi sĩ tài danh bạc mệnh Hàn Mặc Tử đã sống những ngày quằn quại đau thương và cho ra đời những áng thơ tình bất hủ. Trại phong Quy Hòa là nơi Nguyễn Trọng Trí (tên thật của nhà thơ Hàn Mặc Tử) đã gắn bó suốt những năm tháng mắc phải căn bệnh phong quái ác.
Những bài thơ tình chan chứa yêu thương và khao khát đến cuồng loạn của một tâm hồn biết yêu và khao khát yêu như Hàn Mặc Tử được thắp lên trong nỗi khốn khổ của bệnh tật cùng cái hữu tình của tự nhiên Ghềnh Ráng. Trong thung lũng yên bình, phía trước là biển trời bao la, đằng sau là dãy núi non điệp trùng với Dốc Đá, thi sĩ họ Hàn yên nghỉ và đón nhận cuộc sống mới, sau kiếp tài danh, nhưng quá đỗi bạc mệnh ấy.
Đến Ghềnh Ráng, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nghệ thuật thi pháp bằng bút lửa, ghi lại những bài thơ của thi sĩ họ Hàn do nghệ nhân Dzũ Kha thực hiện. Từng lời thơ, vần chữ của Hàn Mặc Tử được khắc in khéo léo trên nền những tấm gỗ thông hẳn sẽ là kỷ vật ý nghĩa dành cho mỗi du khách khi đặt chân đến chốn này.
Theo Lao động