Gã khổng lồ Gazprom vẫn bơm khí đốt Nga cho châu Âu quá cảnh qua Ukraine với khối lượng do phía Ukraine xác nhận thông qua trạm Sudzha ở vùng Kursk là 42,4 triệu m3/ngày hôm 30/12, một trong những ngày cuối cùng trước khi thỏa thuận quá cảnh hết hiệu lực.
Dòng khí đốt Nga chảy qua Ukraine sẽ dừng lại vào lúc 7h sáng ngày 1/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal tuyên bố, đồng thời cho biết, việc nối lại quá cảnh qua cơ sở hạ tầng đường ống của đất nước ông sẽ có thể thực hiện được theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC), với điều kiện không phải là khí đốt Nga.
Nga, và trước đây là Liên Xô, mất nửa thế kỷ để xây dựng thị phần trên thị trường khí đốt châu Âu, đạt đỉnh ở mức 35%, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã phá hủy gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh đó của gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom.
Moscow đã mất thị phần vào tay các đối thủ như Na Uy, Mỹ và Qatar kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022, khiến EU phải cắt giảm sự phụ thuộc của khối này vào khí đốt Nga.
Vào thời điểm đó, sự sụt giảm trong nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu đã đẩy giá khí đốt lên mức cao nhất mọi thời đại, làm gia tăng lạm phát và làm tăng chi phí sinh hoạt trên khắp "lục địa già".
Lần này, việc thỏa thuận quá cảnh khí đốt Nga-Ukraine hết hiệu lực khó có thể khiến giá khí đốt ở EU tăng vọt như mức được ghi nhận vào năm 2022 vì khối lượng này tương đối nhỏ.

Lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga giảm dần. Đồ họa: DW
Khoảng 15 tỷ m3 khí đốt Nga đã được vận chuyển qua Ukraine vào năm 2023 – chỉ chiếm 8% lưu lượng khí đốt cao điểm của Nga đến châu Âu qua các tuyến đường khác nhau trong giai đoạn 2018-2019.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thời gian còn lại là không đủ dài để đạt được một thỏa thuận quá cảnh khí đốt mới với Ukraine, đồng thời đổ lỗi cho Kiev vì đã từ chối gia hạn thỏa thuận.
Đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod từ thời Liên Xô vận chuyển khí đốt Nga từ Siberia qua thị trấn Sudzha – hiện do quân đội Ukraine kiểm soát – ở vùng Kursk của Nga. Sau đó, dòng khí đốt theo đường ống chạy qua Ukraine đến Slovakia. Tại Slovakia, đường ống dẫn khí đốt chia thành các nhánh đi đến Cộng hòa Séc và Áo.
Hầu hết các tuyến đường ống dẫn khí đốt khác của Nga đến châu Âu đều đã đóng cửa, bao gồm Yamal-châu Âu qua Ba Lan và Nord Stream dưới Biển Baltic tới Đức.
Các tuyến đường ống khác đang dẫn khí đốt Nga đến châu Âu là Blue Stream và TurkStream qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, để từ đó chảy đến một số quốc gia châu Âu, bao gồm Hungary.
Để chuẩn bị cho việc mất doanh thu do ngừng quá cảnh khí đốt Nga, nhà điều hành hệ thống đường ống Ukraine có kế hoạch tăng gấp 4 lần giá cước vận chuyển khí đốt trong nước cho người tiêu dùng nội địa từ ngày 1/1/2025.
"Vào năm 2024, 85% doanh thu của chúng tôi đến từ việc vận chuyển khí đốt có nguồn gốc từ Liên bang Nga. Điều đó có nghĩa là giờ chúng tôi chỉ còn lại 15% doanh thu từ khách hàng trong nước", ông Dmytro Lyppa, tổng giám đốc GTS Operator, cho biết trong cuộc họp thảo luận về việc tăng giá cước.
Ukraine vẫn kiếm được khoảng 1 tỷ USD phí quá cảnh khí đốt Nga mỗi năm theo thỏa thuận hết hạn vào ngày 31/12/2024.
Minh Đức (Theo gCaptain, TASS, Oil Price)