Cứ mỗi dịp tháng 11 về, khắp ngả đường, góc phố của Hà Nội lại tràn ngập một màu trắng muốt của những bông cúc nhỏ xinh. Sự xuất hiện dồn dập ấy khiến những người vô tâm nhất, có lẽ cũng phải ngước nhìn.
Cúc họa mi nở cũng có nghĩa là mùa đông đã chạm ngõ và cũng là dịp để mỗi chúng ta nhớ về ngày tôn vinh Nhà giáo. Nhưng đối với tôi, nó còn đặc biệt hơn bởi đó cũng là Ngày của Mẹ!
Đã bao lần đặt bút viết về những người thầy của mình, nhưng chợt nhận ra, tôi đã quá vô tâm vì có một người mà tôi chưa bao giờ nói lời tạ ơn trong suốt những chặng đường tôi đi…
Mẹ tôi là giáo viên trường làng, cả cuộc đời mẹ gắn liền với phấn trắng bảng đen, nên tuổi thơ tôi những gì được – mất luôn song hành. Với suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ, đã có lúc tôi từng nghĩ, tuổi thơ cắp sách đến trường là một địa ngục, nơi đáng ra tôi sẽ được vui chơi, được học tập và được kết bạn.
Thế nhưng chỉ vì có “mẹ là giáo viên” mà tôi bị các bạn xa lánh, kì thị và không chơi cùng. Tồi tệ hơn khi kết quả học tập của tôi không được bạn bè công nhận, thậm chí dè bỉu vì cho rằng “nó là con cô giáo”.
Người ta nói có mẹ là cô giáo thì sẽ vui lắm, có người chỉ bảo học hành, được thầy cô ưu ái… Nhưng sự thật thì khi có mẹ là cô giáo những ngày lễ tôi vẫn lẻ loi ngồi dự một mình, khi nhận thưởng cũng không có ai chụp ảnh, họp phụ huynh mẹ vắng mặt thường kỳ.
Tôi đã từng trách móc, giận mẹ tại sao lại không đi họp cho tôi như các bạn, mẹ là giáo viên sao mẹ chẳng đi? Có những hôm trời nóng như đổ lửa hay mưa như trút, mẹ cũng chẳng thể chở tôi đi học. Những tối ôn bài cũng chỉ mình tôi cặm cụi vì mẹ còn bận rất nhiều việc và đối với mẹ con gái phải tự lập không được dựa dẫm.
Thế nhưng khi lớn lên, hiểu chuyện, tôi không còn trách móc mẹ vì những chuyện như thế. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu những gánh nặng mẹ đang mang.
Mẹ vội vã đến trường vào những dịp lễ, có mặt trước giờ để đón tiếp phụ huynh, vội vã tan lớp để kịp về đi chợ nấu cơm. Mẹ không dành được nhiều thời gian chỉ bài cho tôi bởi đằng sau việc nước phải thực hiện tốt, mẹ vẫn là người phụ nữ của gia đình, phải lo toan chu toàn việc nhà. Những đêm cả nhà đã đi ngủ, mẹ vẫn hì hụi soạn, chấm bài đến khuya, bóng mẹ khom khom hắt dài lên cánh cửa.
Ngày vào đại học, vẫn là mẹ đưa tôi lên thành phố nhập trường. Thầy cô mới, bạn bè mới, nhưng không ai quan tâm chỉ bảo, lo lắng cho tôi nhiều như mẹ. Mẹ vẫn luôn nhắc nhở, căn dặn khi tôi tự lập bước vào một cuộc sống mới.
Những gì mẹ dạy tôi không còn dừng lại nơi phấn trắng bảng đen kia nữa mà còn là cả những tâm huyết, những kinh nghiệm của cuộc đời. Mẹ vừa là mẹ, vừa là cô và còn vừa là người bạn thân thiết luôn theo sát từng bước đường tôi đi, dạy tôi kỹ năng sống, cách làm người và cách đối nhân xử thế để tôi tự tin bước ra cuộc đời đầy bão tố.
Tôi chưa bao giờ bày tỏ tình cảm hay nói lời hoa mĩ dành đến mẹ, cũng không biết mẹ có đọc những dòng này không, nhưng trong lòng tôi, mẹ mãi là người thầy đầu tiên và cũng là người vĩ đại nhất mà cuộc đời ban tặng.
Cũng xin phép được gửi lời cảm ơn đến tất cả các thầy cô, những người đã dạy chúng tôi thành người.
H.Y