Sáng 21/2, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên với phần xét hỏi.
Trả lời các câu hỏi của luật sư Trương Thị Hòa (đại diện cho ông Vũ) về chiến lược phát triển của Trung Nguyên trong thời gian tới, ông Vũ trình bày, một tập đoàn cũng giống như một quốc gia, nó cũng được vận hành bởi những quy luật, quy định, trải qua các giai đoạn khác nhau. Quá trình đi lên phải thiết lập được quyền lực mềm, tạo được ảnh hưởng toàn cầu.
Khi ông Vũ đang trả lời, luật sư bà Thảo lên tiếng gay gắt bởi cho rằng, nội dung câu hỏi không liên quan gì đến vụ án mà tòa đang xét xử.
Tiếp đó, luật sư Hòa tiếp tục hỏi ông Vũ về việc Trung Nguyên có thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội, vậy Trung Nguyên đã thực hiện những chương trình xã hội gì?. Ông Vũ trình bày, những phong trào của học sinh, sinh viên, các phong trào phục vụ xã hội, Trung Nguyên gần như là tiên phong. Ông Vũ tiếp tục khẳng định, ông là linh hồn của Trung Nguyên, mọi đề xuất hay chiến lược phát triển đều từ ông mà ra.
Ngoài ra, luật sư Hòa còn hỏi bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ): "Hôm qua, bà có một câu trả lời không chính xác về việc con dâu có sự tham gia vào Trung Nguyên vào năm 2005, sau đó ông Vũ có phản ứng và yêu cầu bà phải trình bày chính xác, hôm nay bà trình bày lại cho HĐXX biết?".
Bà Uớc trả lời rằng, con dâu bà có đóng góp, nhưng tiền bạc thì không có. Theo bà Ước, khi chồng còn sống, để cho ông Vũ lập nghiệp, vợ chồng bà phải bán 2 căn nhà, gom góp tiền của bạn bè, người thân để đưa cho ông Vũ. Nhờ sự đóng góp của gia đình, bạn bè mới có Trung Nguyên ngày hôm nay, chứ thời điểm đầu không biết bà Thảo là ai.
Cũng theo bà Ước, trước khi chồng bà mất cũng tự khai, Trung Nguyên do gia đình ông bà sáng lập lên. Tại tòa, bà Ước khẳng định bản tự khai của chồng là đúng.
Luật sư Hòa hỏi bà Ước việc có hay không chuyện bị đơn nộp hồ sơ yêu cầu TAND quận 3 tuyên bố ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự?. Bà Ước bức xúc cho biết, có chuyện này, sau đó bà Ước khiếu nại, và đưa con đi khám ở hai nơi, kết quả là ông Vũ không bị bệnh.
Bà Ước cũng trình bày: “Chúng tôi thương cháu và muốn gần gũi, chăm sóc cho các cháu. Thế nhưng, từ khi Thảo đưa đơn lên tòa ly hôn thì không cho chúng tôi gặp cháu nữa. Chúng tôi phải bằng nhiều cách để được gặp cháu, khuyên nhủ Thảo nhiều”.
Lúc này, bà Thảo phản đối vì lời khai của bà Ước không chính xác.
Luật sư hỏi ông Nguyễn Duy Phước (đại diện cho các công ty của Trung Nguyên) về việc nguồn gốc thành lập Trung Nguyên thể hiện ở những tài liệu nào?. Ông Phước cho biết, việc thành lập Trung Nguyên thể hiện ở nhiều tài liệu, được ông Phước liệt kê, thể hiện công ty Trung Nguyên được thành lập từ giai đoạn đầu, có ghi cụ thể vốn góp của từng cá nhân. Năm 2007, công ty Trung Nguyên chuyển thành công ty cổ phần, với nhiều cá nhân góp vốn. Từ khi thành lập đến nay, tập đoàn Trung Nguyên đều do ông Vũ trực tiếp điều hành.
Luật sư hỏi tiếp: "Trong thời gian ông Vũ sống trên núi thì ông điều hành công ty thế nào?". Ông Phước cho biết, mọi giấy tờ, hồ sơ, trình ký… đều phải thông qua ông Vũ, các cuộc họp cũng do ông Vũ điều hành, chỉ đạo.
Xuyên suốt các giai đoạn phát triển của Trung Nguyên, đều do ông Vũ điều hành. Khi Trung Nguyên đã hết tính mới, ông Vũ luôn trăn trở làm sao để phát triển Trung Nguyên, đưa thương hiệu lên một tầm cao mới. Sự phát triển của Trung Nguyên, xuyên suốt các thời kỳ hoàn toàn đều do công sức của ông Vũ.
Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Công Thư - Văn Thi