Liên quan tới clip ghi lại cảnh một người phụ nữ dừng xe trên đường rồi quát mắng, thậm chí đánh một bé gái. Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, việc người mẹ đánh mắng con giữa đường như vậy là không nên.
“Theo tôi trong trường hợp này, đứa trẻ còn rất nhỏ làm sao xách được đồ, bảo quản được đồ? Vì thế trẻ chưa đến mức phải bị trừng phạt như vậy. Người mẹ này cũng không nên đánh con, bởi người lớn đã bắt trẻ làm một việc quá sức của bé”, chuyên gia Trịnh Trung Hòa nói.
Chia sẻ với PV, ông Trịnh Trung Hòa cho rằng việc mắng con, tát con giữa đường để dạy trẻ thì điều đó hoàn toàn sai lầm: “Trừng phạt trẻ bằng cách đánh mắng có thể làm cho trẻ sợ trước mắt, nhưng sẽ có tác hại lâu dài về mặt tâm lý. Nhiều lần quát mắng như vậy sẽ chỉ làm cho trẻ chai lì trước hình phạt đó mà thôi”.
Vì thế, theo chuyên gia Trịnh Trung Hòa, trước tiên người mẹ cần nhìn nhận trách nhiệm về mình, rút kinh nghiệm và giáo dục con phải có cách thức chứ không phải đánh chửi.
Từ câu chuyện của người phụ nữ trong trường hợp nêu trên, vị chuyên gia tâm lý này cũng đưa ra lời khuyên các bậc phụ huynh khi đưa con nhỏ đi đâu thì cũng không nên giao đồ cho trẻ: “Sức của trẻ rất yếu chưa thể bảo vệ được mình huống chi là đồ vật, bên cạnh đó nếu xảy ra cướp giật cũng rất nguy hiểm”, ông Trung Hòa cho biết thêm.
Trước đó, trên mạng xã hội có chia sẻ clip ghi lại cảnh một người phụ nữ dừng xe giữa đường, chỉ thẳng tay vào mặt một bé gái và buông lời quát mắng khó nghe. Mặc cho bé gái đang khóc nức nở, người này vẫn luôn miệng bắt cô bé phải tìm được túi đồ mà bé đã làm mất.
Chưa hết, người phụ nữ này còn dùng tay tát thẳng vào mặt bé gái. Mặc cho những người đi đường chứng kiến, khuyên can “trẻ con biết gì đâu”, nhưng người phụ nữ vẫn không ngừng quát mắng.
Theo lời của chủ nhân chia sẻ clip cho biết, sự việc xảy ra tại đoạn ngã tư Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Chỉ trong thời gian ngắn đăng tải, clip đã nhận được rất nhiều lượt xem, chia sẻ bày tỏ sự bức xúc của cộng đồng mạng. Rất nhiều người không đồng tình với cách hành xử của người mẹ với con, khi mà con còn nhỏ tuổi chưa hiểu chuyện.