Người mẹ có những cách nuôi dạy con nổi tiếng
Chị Phan Hồ Điệp là người mẹ rất nổi tiếng với cách nuôi dạy con trên facebook. Kể về bí quyết nuôi dạy “thần đồng” Nhật Nam, chị Điệp cho hay: “Thực ra, mới đầu khi học chữ, Nam toàn viết ngược. Nhưng rồi, nhờ sự kèm cặp từ gia đình, Nam sớm tiếp thu và bắt kịp bạn bè. Tôi nghĩ có điều đó cũng bởi trong thời gian “tiền tiểu học”, tôi đã cho Nam làm quen với việc học.
Tôi cho con làm quen với chữ cái thông qua các trò chơi. Khi Nam thuận tay trái, tôi tự tạo ra những trò chơi với luật chơi là: Mẹ chỉ được dùng tay trái còn Nam chỉ được dùng tay phải. Tôi luôn dạy con phải độc lập trong mọi suy nghĩ và mình phải ném bóng bằng tay phải, không được dùng tay trái. Tuy nhiên, tôi không ép buộc vội vàng cho Nam, để Nam có thời gian thích nghi, vì thế, giờ con có thể viết bằng cả hai tay”.
Như khi Nam học tiếng Anh, mỗi lần Nam đi học về là lại đem những gì đã học ra để dạy mẹ, giống như một cách để Nam ôn lại bài. Khi học từ mới, chị Điệp không khuyến khích Nam kiểu học “từ này có nghĩa là gì” mà học từ theo “trường nghĩa”. Chị chia ra nhiều chủ đề và thậm chí còn học bằng cách thông qua những sở thích của Nam vào thời điểm đó.
“Ví như Nam mê ăn uống thì giờ học sẽ diễn ra... trong bếp. Nam thường tự ghi âm lại bài nói, tự chấm điểm, tự nhận xét. Và phần thưởng cho những nỗ lực của Nam là... được nghe mẹ kể chuyện vào mỗi tối. Không phải là những câu chuyện trong sách mà là những câu chuyện do mẹ tự nghĩ ra.
Ngay từ khi Nam còn nhỏ, tôi đã bồi đắp cho con, trước hết là khả năng nói tiếng Việt, sau đó mới cho con làm quen với tiếng Anh thật nhẹ nhàng và tự nhiên. Rồi tôi nghĩ tới việc sân khấu hóa các bài học tiếng Anh. Như dựng lại thành vở kịch, trình bày như một diễn giả, mô phỏng lại các bài hội thoại... Một thời gian sau thì Nam tự học ở nhà nhưng luôn có mục tiêu: Thi các chứng chỉ.
Sau này, mỗi lần đi qua chỗ Nam đã từng thi kỳ thi tiếng Anh đầu tiên, bố Nam vẫn bâng khuâng, nhắc về một ngày Chủ nhật có một cậu bé đeo cái nơ màu đỏ, chạy ra rối rít khoe với bố: “Bố ơi, thầy nước ngoài tặng con cái kẹo”. Rồi cậu xòe bàn tay nắm cái kẹo với miệng cười răng sún.
Theo tôi, học tiếng Anh là để có thêm niềm vui, tâm hồn thêm phong phú chứ không phải để trở thành “nhà vô địch”. Tôi tin, “lạt mềm buộc chặt” sẽ giúp con bước đến tương lai nhanh hơn là ép con phải trở thành một nhà vô địch”, chị Điệp cười chia sẻ.
Tạo cho con có những kỳ nghỉ hè vui vẻ
Không chỉ dạy con cách học tập, chị Điệp còn luôn tạo cho con những kỳ nghỉ hè vui vẻ. Cũng theo chị Điệp, những khóa học kỹ năng sống cũng rất cần nhưng nếu chỉ học xong bỏ đó thì lại đâu vào đấy.
Vì thế, chị Điệp luôn dành thời gian cùng con: Học bài, làm việc nhà, khuyến khích con vẽ, cắt, dán, tô màu, sơn, nhào cát, nghịch nước... Tất cả những điều đó đều có tác dụng tuyệt vời cho trí não của con.
Cùng con đi du lịch, cho con được quyền ngủ "nướng", được cà kê, chơi bời “tám” chuyện với bạn bè nhưng bên cạnh đó, con cần có những mốc thời gian cụ thể về việc ôn bài, làm việc nhà... Đó cũng chính là cách tốt để con dần quen với kỷ luật.
“Tôi luôn cho con một mùa hè thơm như trái ổi trong túi áo. Vì thế, ngay cả bây giờ, mùa hè của Nam đều dành cho gia đình. Năm nay, khi Nam về nước tôi cũng đã đồng hành cùng con trong chương trình “Hát cùng những niềm vui”, một dự định mà con đã thực hiện từ năm 2016.
Thật xúc động khi ngay sau chương trình Nam đã có lời cảm ơn tới tất cả mọi người đã cùng con thực hiện chương trình. Con còn nhắn nhủ: “Lời cảm ơn cuối cùng, xin cảm ơn bố mẹ đã âm thầm động viên cả vật chất và tinh thần cho đêm nhạc. Cảm ơn MC Mẹ, dẫn chương trình cùng mẹ là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng mệt vì MC đòi hỏi phải nắm tay nhiều nhất. Người ta nói làm thiện nguyện là cho đi nhưng con thấy mình nhận lại rất nhiều", chị Phan Hồ Điệp chia sẻ.
Đến ngày hôm nay, khi Đỗ Nhật Nam đã “đủ lông đủ cánh” hòa nhập vào xã hội thì chị Điệp vẫn tiếp tục học hỏi để song hành cùng con. Với chị, gia đình là cái nôi an toàn, vững chắc để con phát triển, cống hiến cho xã hội.