Rất vinh dự khi có người anh như Đại tướng
Đó là lời tâm sự của Trung tướng Hồng Cư khi nói về những tình cảm của mình dành cho vị Tướng huyền thoại. Đối với ông, được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là một điều may mắn. Nhưng may mắn và vinh dự hơn khi trở thành người một nhà với vị Tướng mà ông luôn luôn ngưỡng mộ. Phu nhân của ông, PGS. Đặng Thị Hạnh là em gái của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì thế trong quan hệ gia đình, ông là anh em đồng hao với Đại tướng. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng trong tiếng bủa vây của chuông điện thoại phỏng vấn, vợ chồng Trung tướng kể về những kỷ niệm với người anh mà đến tận bây giờ vẫn hiện lên rõ nét trong ký ức của họ. PGS. Đặng Thị Hạnh bồi hồi kể lại rằng: "Anh Văn (tên thường gọi của Đại tướng) có kể lại với chúng tôi rằng, năm 1931 anh đã có thời gian học chữ Hán với ông ngoại tôi ở Vinh và lúc đó anh đã gặp tôi và chị Hà (bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng) đang chơi ngoài sân. Sau này gia đình tôi chuyển ra Hà Nội và thời kỳ đầu trở lại đây, chúng tôi được ở trong một biệt thự rất đẹp: Biệt thự Les Saules. Anh Văn đã trở về và Bác Hồ cùng các anh khác trong Trung ương thỉnh thoảng vẫn xuống đây họp, có khi ngồi ngay ngoài vườn. Cũng tại đây, tình yêu giữa chị tôi và anh Văn đã bắt đầu. Sau này hôn lễ của anh chị cũng được tổ chức rất đơn giản ở ngay phòng ngoài của một ngôi nhà phố Hàng Bài với rất ít người tham dự. Tôi và anh Văn trở thành người nhà từ đó".
Đối với Trung tướng Hồng Cư thì đó lại là một cơ duyên khác. Ông kể: "Tôi biết đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu nhưng nhận lệnh trực tiếp từ Đại tướng khi tôi đang là Chính trị viên tiểu đoàn Bình Ca (một bộ phận của trung đoàn Thủ đô), được giao nhiệm vụ sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên, nhằm bảo vệ phía Tây của an toàn khu Việt Bắc. Lúc đó, anh em đều bị sốt rét cả nhưng khi nghe lệnh của Đại tướng tất cả đều vùng dậy cầm súng đi ra trận địa. Đây là kỷ niệm tôi không thể quên được. Mãi sau này cho đến tận chiến dịch Điện Biên Phủ tôi vẫn là người giúp việc cho Đại tướng. Sau khi thắng lợi, tôi lập gia đình với bà Hạnh năm 1954 và trở thành người nhà với vị Tổng tư lệnh quân đội. Đây là một vinh dự lớn lao vì tôi có người anh cả là một danh tướng không chỉ trong thời đại Hồ Chí Minh mà còn là danh tướng lẫy lừng thế giới. Đối với tôi, anh Văn không chỉ là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là người anh cả trong gia đình. Anh có ơn với tôi và những chiến sĩ khác. Nếu không có lệnh rút lui, chuyển kế hoạch ở trận Điện Biên Phủ thì có lẽ tôi và nhiều anh em khác chắc đã nằm lại nơi chiến trường này rồi. Trong gia đình, anh Văn rất quan tâm, yêu quý mọi người. Những cuộc gặp mặt đại gia đình, những cháu nhỏ nhất bao giờ cũng được anh ưu tiên bế và cho ngồi vào lòng. Những cuộc gặp đó vui lắm, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười của cả người lớn và con trẻ".
Theo trung tướng Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người công tư phân minh trong công việc. Mặc dù là thư ký giúp việc cho Đại tướng, đồng thời cũng là anh em đồng hao nhưng Đại tướng không bao giờ có cư xử khác biệt. Tất cả mọi người ai cũng như ai, đều bình đẳng trước Đại tướng. "Tôi có hứa với anh tôi (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) sẽ viết một cuốn sách về thời kỳ từ khi anh còn nhỏ đến thời điểm trước khi gặp Bác Hồ và tôi đã cố gắng thực hiện điều đó một cách tốt nhất. Để hoàn thành công việc này, ngoài việc nghe câu chuyện kể lại từ chính anh Văn tôi đã bỏ nhiều thời gian về Quảng Bình, quê hương anh để gặp những người cùng thời. Tôi đã vào Huế, rồi đến nhà lao Thừa phủ nơi giam người thanh niên Võ Nguyên Giáp, rồi lại sưu tầm tư liệu thời mặt trận dân tộc dân chủ, thời đi học rồi đi dạy sử... để làm tư liệu một cách đầy đủ nhất. Tập một lấy tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ được chính anh sửa chữa nên bản thảo là một tư liệu rất quý. Khi viết tập hai (lấy tên Tuổi hai mươi) thì anh Văn đã vào viện. Tiếc rằng anh đã mất khi tập này chưa kịp xuất bản".
Trung tướng Hồng Cư (vị trí thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
"Anh Văn là một người rất tình cảm"
PGS. Đặng Thị Hạnh nhớ lại: "Sau lễ cưới của anh Văn với chị Hà, gia đình tôi rời Hà Nội. Lúc đó, tôi 16 tuổi. Tôi đi mà không có chị Hà bên cạnh như những ngày xưa. Tuy nhiên, 4 năm sau, tôi gặp lại chị khi gia đình tôi đi bộ lên Việt Bắc đầu năm 1951. Chị tôi đã thống nhất với ba mẹ tôi là sẽ giữ tôi lại ở Việt Bắc. Anh Văn rất bận nhưng có lúc, anh vẫn đưa cho tôi đọc quyển Trường kỳ kháng chiến của anh Trường Chinh và còn giảng giải cho tôi nữa. Đầu óc lông bông của tôi cách xa những điều ấy hàng trăm dặm. Chỉ có một đêm thức giấc, lúc chừng 3h sáng, tôi thấy lán bên cạnh vẫn đang sáng đèn, tôi thấy anh Văn ngồi thức trên bàn làm việc, đôi mắt nâu rất trong của anh vẫn sáng rực. Chắc anh đang đọc một mệnh lệnh rất quan trọng, còn anh thư ký trẻ mắt nhắm nghiền, tay vẫn đánh lia lịa trên máy chữ. Tôi không hề biết là những trận đánh lớn sắp bắt đầu".
Trung tướng Hồng Cư trong buổi trò chuyện với PV báo Công Lý Trái Tim
Dừng một lát, PGS. Đặng Thị Hạnh tiếp tục kể về kỷ niệm của mình về vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tôi gặp anh Văn ít lâu trước khi anh vào bệnh viện. Anh ngồi trong phòng, anh vừa tập thiền xong, mặt anh thanh thản một cách lạ thường, đôi mắt nâu và to vẫn trong suốt. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy tất cả những gì mà anh đã trải qua trong cuộc đời: những trận đánh, những quyết định khó khăn, nỗi thương xót đồng đội… còn vinh quang, tôi có cảm giác là anh đã đặt nó ở đâu đấy trong phòng, tôi không biết nữa. Một tâm hồn đủ rộng để dành tất cả cho dân cho nước (cho đến gần đây, anh cũng đã làm mọi điều anh có thể). Thế nhưng trong tình cảm lại không bỏ sót một ai, anh không bao giờ quên một đứa cháu nhỏ ở xa trong một ngôi làng hẻo lánh. Còn đối với chị tôi, đó là mối tình đẹp nhất mà tôi được biết. Hôm vừa rồi, đứa cháu gái của tôi nói với tôi: Cách đây dăm bảy năm, có một lần mẹ nó đến dẫn bà Hà đi cắt tóc. Lúc bà ra đi, ông hỏi: "Mấy giờ Hà về?". Bà Hà trả lời: "Hà sẽ về muộn, anh ăn cơm trước đi". Ông đặt tay lên tay bà và nói rằng: "Anh sẽ đợi". Một mối tình qua bao năm tháng vẫn nguyên vẹn như thời mới bắt đầu. Tháng 12/2006, chị em chúng tôi mang hoa đến chúc mừng ngày hôn lễ kim cương của anh chị. Anh Văn nói: "Đối với anh, ngày nào cũng là ngày hôn lễ kim cương". Đối với chúng tôi, anh Văn là người rất tình cảm trong quan hệ vợ chồng và với anh em trong nhà".
Chúng tôi muốn hỏi thêm đôi điều nữa về những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng PGS. Đặng Thị Hạnh đã ngắt lời. Bà vẫn giữ vẻ thâm trầm vốn có của một người làm khoa học. Bà nói với chúng tôi rằng, bà không giỏi nói nên những điều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bà đã viết ra cả rồi. Chúng tôi có thể sử dụng tư liệu đó. Thế nhưng trên khuôn mặt của hai vợ chồng Trung tướng, đằng sau vẻ mặt tĩnh lặng của tuổi già là nỗi buồn khôn tỏ, là những giọt nước mắt xót thương đã hằn lên thành những vết nhăn của tuổi tác.
Nhận lệnh cuối cùng của Đại tướng Trung tướng Hồng Cư kể: "Lần cuối cùng vào thăm anh Văn trong bệnh viện là khi tôi vào báo cáo với anh về việc hoàn thành tập sách thứ 2 mang tên Tuổi hai mươi. Lúc đó đã mở khí quản nên anh Văn nói không còn rõ nữa nhưng tôi có thể đoán được anh muốn nói gì và tôi báo cáo với anh. Anh tỏ ra hài lòng. Khi tôi về, anh có lưu lại và dùng ngón tay viết lên không khí một chữ Viết (ý là hãy viết cho xong). Đây là mệnh lệnh cuối cùng của Đại tướng đối với tôi và đến giờ tôi đã hoàn thành xong. Chỉ tiếc rằng giờ đây anh Văn đã qua đời nên đã không kịp nhìn thấy quyển sách thứ 2 được xuất bản". |
>> Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước lễ "49 ngày"
Phạm Thiệu