Lười làm việc nhà cũng là căn bệnh có thể nói là rất phổ biến trong giới trẻ…con. Thật ra, khi chúng ta mới sinh ra và lớn lên, không có chúng ta (lũ trẻ con) mọi việc trong nhà đều có người chăm sóc lo lắng. Thậm chí chúng ta cũng không cần làm gì mà cơm tự chui vào miệng, mỏi chân có người bế bồng, mặt bẩn có người lau.
Phân tích chút đỉnh như vậy cho các cha mẹ hiểu, để con có ý thức làm việc nhà không đơn giản. Dạy con làm việc nhà cần phải tiến hành càng sớm càng tốt. Có không ít cha mẹ cười khi nghe tôi khuyên: trẻ 2 tuổi nên cho học tự tắm.
Thật ra, tôi không hiểu lí do tại sao các mẹ lại nghĩ là không thể tắm lúc 2 tuổi. Bố mẹ chuẩn bị 1 chậu nước ấm thật to, con tự cởi quần áo rồi ngồi vào chậu tắm, sau đó lau người và mặc quần áo. Những việc đó đâu có khó khăn gì với lũ trẻ?
Thiếu lòng tin ở con chính là thiếu sự tôn trọng con đấy. Bọn trẻ không phải là không biết gì. Những việc đơn giản như lấy cho mẹ cái khăn, lấy cho bố cái túi xách; ném bỉm, rác vào thùng rác; tự khoác balo của chính mình là việc mà đứa trẻ 2 tuổi nào cũng làm được.
Khi chúng ta yêu cầu trẻ làm việc sớm, trẻ sẽ cảm nhận được sự tin tưởng mà cha mẹ dành cho mình, chắc chắn trẻ sẽ buộc phải cố gắng để không phụ lòng tin đó của cha mẹ.
Sau khi bọn trẻ đã thực sự làm được một số công việc nhà, việc cha mẹ cần làm để con trẻ chăm chỉ là các công việc sau:
- Giao trách nhiệm cho trẻ, trách nhiệm đó nên có một chút quyền lực như: Quyền được phê phán khi ai đó làm sai (trong phần công việc trẻ đảm nhận).
Ví dụ: Trẻ được giao giữ vệ sinh trong khu vực phòng khách, nếu ai đó vứt đồ đạc lung tung, trẻ có quyền khiển trách và có quyền đưa ra hình thức phạt.
- Tôn trọng các quyết định của trẻ. Nếu trong phần trách nhiệm của trẻ, trẻ có những quyết định phù hợp, cha mẹ nên tôn trọng và yêu cầu mọi người tuân thủ theo cho dù điều đó gây chút khó khăn cho cha mẹ.
- Khen ngợi trẻ, đề cao tầm quan trọng của trẻ trong công việc. Việc khen ngợi đó cần làm nhẹ nhàng và kín đáo, không nên tung hô quá nhiều khiến trẻ dễ chủ quan, coi thường mọi việc. Đơn giản và hiệu quả nhất là cha mẹ khoe “kín đáo” trẻ với người khác nhưng biết chắc chắn là trẻ “nghe lỏm” được. Nghe lỏm được việc cha mẹ khen mình với người khác là món phần thưởng tuyệt vời nhất mà trẻ nào cũng mong muốn có. Điều đó sẽ khiến trẻ buộc phải “ngoan, giỏi” để xứng đáng với lời khen tặng.
- Không thưởng tiền cũng như mọi thứ vật chất khác cho trẻ khi trẻ làm việc nhà. Việc này ban đầu có vẻ là có lợi nhưng càng về sau càng khó xử lý. Có không ít trẻ được cha mẹ thưởng tiền khi làm việc nhà, về sau lớn lên đã không chịu làm việc nhà nữa nếu không cho tiền.
Thưởng tiền khi làm việc nhà còn khiến trẻ có suy nghĩ: “Cứ làm là phải được nhận tiền công”, sau này khi ra ngoài tập thể, trẻ sẽ lười làm việc chung mà chỉ chăm lo cho chính bản thân mình hoặc những công việc có thù lao. Lúc này chắc chắn cha mẹ sẽ rất khó giải quyết cái cá tính đó của trẻ.
- Luôn đề cao vị trí của trẻ. Khi mẹ nói 1 câu: “Ồ, việc đó ngoài con ra, chẳng ai làm tốt cả”, bé sẽ cảm thấy mình thật giỏi giang. Lúc này việc gì khó mấy trẻ cũng sẽ cố gắng thực hiện cho tốt.
Chống lại bệnh lười làm việc nhà cũng cần có sự nghiêm túc của bố và mẹ. Bố mẹ nên giữ gìn nhà cửa gọn gàng cho con quen với nếp đó hơn là cứ bừa ra rồi quát con làm. Lâu dần, mọi thứ sẽ vào nếp hơn.
TS Vũ Thu Hương