Những cuộc tụ tập đông người là bình thường và thường không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu một đám đông vượt quá sức chứa của không gian hoặc nếu công tác quản lý không tốt thì tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra.
Khi đám đông di chuyển theo một hướng cùng lúc, một số người có thể chen lấn và đè lên nhau. Điều này có thể trở nên vô cùng nguy hiểm.
Mới đây nhất, vụ giẫm đạp trong lễ hội Halloween tại Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) đêm 29/10 đã khiến ít nhất 151 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Trước đó không lâu, bạo loạn tại sân vận động Kanjuruhan (Đông Java, Indonesia) hôm 1/10 cũng làm 133 người tử vong, số người bị thương lên đến hàng trăm.
Trong các vụ việc như trên, không ít người cho rằng việc bị giẫm đạp có thể là nguyên nhân của hầu hết trường hợp tử vong. Nhưng thực tế là đa số người chết đều do ngạt thở.
Tiến sĩ Mark Conroy, bác sĩ y học cấp cứu tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết: Thông thường, mọi người bị thương khi ngã hoặc bất tỉnh giữa đám đông hoặc bị ngạt thở.
G. Keith Still, giáo sư thỉnh giảng về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh, nói với NPR: "Khi mọi người cố gắng đứng dậy, tay và chân bị xoắn vào nhau. Nguồn cung cấp máu lên não bắt đầu giảm xuống. Phải mất 30 giây trước khi bạn bất tỉnh và khoảng 6 phút trước khi bạn rơi vào tình trạng bị ngạt. Đó thường là nguyên nhân gây tử vong, không phải bị giẫm chết mà là do ngạt thở".
Nhiều người sống sót từng kể về trải nghiệm không thể thở nổi khi bị xô đẩy, cảm giác giống như một trận lở tuyết, tuyệt vọng để thoát ra, trèo qua người nhau.
"Những người sống sót mô tả là dần dần bị ép chặt, không thể cử động, đầu của họ “bị khóa chặt giữa cánh tay và vai... thở hổn hển vì hoảng sợ'", theo báo cáo sau một vụ bạo loạn vào năm 1989 tại sân vận động Hillsborough ở Sheffield, Anh.
Mặc dù “không có quy tắc vàng” nào nhưng vẫn có những phương pháp tốt nhất giúp chúng ta sống sót nếu rơi vào tình huống mắc kẹt trong đám đông.
Moussaïd, người làm việc tại viện phát triển con người Max Planck, đã nghĩ ra "mẹo để sống sót" khi rơi vào một đám đông nguy hiểm bằng cách nghiên cứu một số trường hợp hỗn loạn gây chết người.
Trong cuốn sách Crowd study: What crowds say about us, Moussaïd chỉ ra 8 điều nên làm nếu bị mắc kẹt trong đám đông cuồng loạn.
Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm
Một khi bạn đang ở trong đám đông và bắt đầu cảm thấy áp lực, Moussaïd cho rằng gần như đã quá muộn để hành động. Điều tốt nhất bạn có thể làm là cố gắng không đặt mình vào tình huống nguy cấp này. "Vấn đề là hầu hết mọi người không nhận ra rằng nó nguy hiểm. Chúng ta không có văn hóa nhận thức về sự nguy hiểm của đám đông".
Lời khuyên quan trọng nhất là hãy lưu ý rằng có thể có nguy hiểm nếu đám đông quá dày đặc và bất thường xung quanh bạn.
Rời đi ngay khi bạn cảm thấy đám đông quá dày đặc
Nếu bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng bạn vẫn còn thời gian và có thể tự do đi lại, hãy rời đi ngay lập tức.
Đứng vững:
Giữ vững đôi chân của mình là điều quan trọng bởi vì nếu bị ngã bạn sẽ rất khó để đứng dậy. Khi ngã xuống, bạn sẽ trở thành chướng ngại vật của những người khác. Điều này còn tạo ra phản ứng dây chuyền như hiệu ứng quả cầu tuyết. Kết quả, mọi người xô đẩy, cùng ngã và đè lên nhau.
Tập cách thở
Thiếu oxy là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ chen lấn, hỗn loạn. "Vấn đề nằm ở việc thở. Nếu bạn có thể duy trì đủ không gian để thở, bạn sẽ ổn. Đưa cánh tay ra ngay trước ngực và giữ chúng ở đó. Ở vị trí này, bạn sẽ có một khoảng trống, chỉ một chút nhưng đủ để tiếp tục thở. Nó sẽ không được thoải mái nhưng ít nhất bạn sẽ sống sót", Moussaïd nhấn mạnh.
Di chuyển cùng đám đông
Trong một đám đông, mọi thứ đều tuân theo phản ứng dây chuyền. Khi bạn đẩy người xung quanh, họ sẽ xô đẩy ngược lại. Sau đó, chen lấn và hỗn loạn gia tăng. Nếu bạn cảm thấy bị đẩy, đừng đẩy ngược lại. Chỉ cần di chuyển cùng đám đông. Đây là cách làm tốt nhất trong tình huống này.
Tránh tường và các vật cứng
Khi di chuyển cùng đám đông, bạn cũng phải chú ý tránh chướng ngại vật. Ví dụ nếu gặp một bức tường, bạn sẽ không thể đi tiếp và bị những người phía sau đè vào tường. Điều đó rất nguy hiểm.
Học cách phát hiện mật độ đám đông
Mật độ đám đông được biểu thị bằng số người trên một m2 và có một số ngưỡng đo lường an toàn nhất định. "Dưới 5 người/m2, mọi thứ có thể không thoải mái, nhưng vẫn ổn. Trên 6 người/m2, bắt đầu trở nên nguy hiểm. Tám người/m2, thương vong nhiều khả năng xảy ra".
Rất khó để nhận biết mật độ một cách trực quan. Moussaïd đưa ra mẹo: "Nếu bạn cảm thấy mọi người đang chạm vào bạn trên cả hai vai hoặc một số vị trí trên cơ thể cùng một lúc, thì mật độ có thể là khoảng từ 6 người trở lên. Nếu bạn vẫn còn thời gian và có thể di chuyển, hãy rời đi ngay lập tức".
Hãy để ý những người khác
Hành vi giúp đỡ cũng có thể "lây lan" trong đám đông. Nếu bạn cố gắng giúp đỡ người xung quanh, họ sẽ giúp bạn, hoặc họ sẽ giúp những người khác. Nếu điều này lan rộng, nó sẽ tạo ra bầu không khí tích cực, hữu ích, làm cho mọi thứ bớt tồi tệ hơn", Moussaïd giải thích.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia an toàn trong đám đông Paul Wertheimer, người đã viết 600 bài báo về chủ đề này, đã liệt kê thêm một số phương pháp hay nhất để sống sót khi bị kẹt trong đám đông hỗn loạn.
Lời khuyên đầu tiên của chuyên gia là phải đứng thật vững. Nếu đi thì cố gắng đi cùng tốc độ với đám đông. Để đứng vững, ông khuyên hãy đứng so le chân để giữ thăng bằng và “thủ tay như võ sĩ quyền anh”, theo The Jerusalem Post.
Trong những đám đông siêu chật, động tác đó sẽ giúp bảo vệ tim và phổi khỏi những lực ép có thể lên tới hàng nghìn kg áp lực đè nén lồng ngực.
Nếu bị ngã, tuyệt đối không nằm sấp hoặc nằm ngửa
Nếu bị ngã, hãy làm mọi cách để đứng dậy và ngay lập tức giúp đỡ những người khác bị ngã. Nếu không thể đứng dậy, hãy đưa tay ôm đầu để bảo vệ đầu và co chân lên gần với cơ thể. Ông nhấn mạnh: Hãy nằm nghiêng để bảo vệ các cơ quan quan trọng nhất.
Đi theo dòng người
Theo chuyên gia Wertheimer, hãy di chuyển theo hướng cùng chiều với đám đông. Có thể đi theo đường chéo hoặc ra 2 bên để thoát ra khỏi trung tâm của sự chen lấn. Lặp lại quá trình này cho đến khi thoát khỏi nguy hiểm.
Ông nói hãy tìm khoảng trống giữa mọi người để từ từ thoát ra khỏi nguy hiểm. Nếu có thể, hãy tìm vật để che chắn cơ thể. Tất nhiên, nếu lỡ đánh rơi thứ gì đó, hãy bỏ đi.
Giữ bình tĩnh, tỉnh táo và không nên la hét
Đừng la hét, chuyên gia Wertheimer nhấn mạnh. Không ai thực sự có thể nghe thấy bạn, và trong trường hợp bị đám đông đè bẹp, la hét càng làm mất nhiều oxy.
Mất oxy có thể dẫn đến ngất xỉu. Vì vậy, nếu cần, hãy cố ra dấu bằng tay, giao tiếp bằng mắt hoặc nét mặt.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Zing)