Mẹo giúp con học bài mà không mệt mỏi, chán nản

Mẹo giúp con học bài mà không mệt mỏi, chán nản

Ngô Thị Hồng Duyên

Ngô Thị Hồng Duyên

Thứ 7, 28/04/2018 15:19

Chuyện hướng dẫn con học bài thành nỗi “ám ảnh” của tôi và cũng khiến con gái sợ phải học bài cùng mẹ. Tôi thấy rất đau đầu về vấn đề học tập của con. Tôi phải làm sao để hướng dẫn con học đạt hiệu quả tốt nhất?

Tôi năm nay 33 tuổi, có một bé gái 8 tuổi, hiện bé đang học lớp 2. Mỗi buổi tối, tôi thường rất căng thẳng để hướng dẫn con học vì cháu rất hay mất tập trung, ham chơi, nói trước quên sau. Thường vào cuối tuần, cô giáo cũng hay giao bài tập về nhà để con đỡ quên kiến thức và những ngày này đúng là “cực hình” của hai mẹ con. Mỗi lần giảng bài cho con là tôi phát cáu. Chuyện hướng dẫn con học bài thành nỗi “ám ảnh” của tôi và cũng khiến con gái sợ phải học bài cùng mẹ. Tôi thấy rất đau đầu về vấn đề học tập của con. Tôi phải làm sao để hướng dẫn con học đạt hiệu quả tốt nhất? (chị Thanh Trà, Bắc Ninh).

Mẹo giúp con học bài mà không mệt mỏi, chán nản

Các bố mẹ đừng hi vọng dạy con 1 lần mà con nhớ được ngay. Các bước này cần làm liên tục ít nhất là 1 học kì thì con mới dần quen với cách học tập. (Ảnh minh họa).

TS.Vũ Thu Hương chia sẻ:

Dưới đây là các cách giúp đỡ con làm bài tập mà không bị mệt mỏi, chán nản:

Bước 1: Giúp con kiểm tra xem con có bao nhiêu bài tập và là những bài tập gì

Cách thức làm là hãy kể cho con các công việc chúng ta phải làm vào buổi tối. Liệt kê ra giấy cho con nhìn thấy và yêu cầu con thử liệt kê các công việc của con. Trong lúc con đang làm, chúng ta nhắc con kiểm tra lại trong vở, sách còn có bài tập nào cô giáo giao mà con chưa làm để con ghi vào danh sách.

Bước 2: Giúp con bố trí thời gian biểu để hoàn tất các công việc được giao

Mới lớp 1 -2, các con chưa học nhiều, cũng chưa nhớ về thời gian, về giờ giấc. Vì thế, cha mẹ chỉ cần hướng dẫn con sắp đặt việc nào làm trước, việc nào làm sau.

Sau bài học về thời gian, cha mẹ có thể dùng các đơn vị thời gian để hướng dẫn con hoàn chỉnh thời gian biểu.

Việc này sẽ làm từng tối, hoặc từng ngày cuối tuần. Sau này con sẽ đúc rút được kinh nghiệm thực hiện thời gian biểu và sẽ làm việc có khoa học hơn.

Bước 3: Giúp con hoàn tất bài tập

Lưu ý: Sự tập trung của trẻ nhỏ thường không kéo dài. Nếu các cha mẹ kì vọng là con có thể ngồi im làm bài tập trong 30 phút hoặc 1 giờ thì chắc chắn là các cha mẹ sẽ thất vọng.

Đứa trẻ chăm chỉ và tập trung nhất cũng chỉ có khả năng ngồi yên làm bài trong 20 phút, còn lại hầu như chỉ độ 10 – 15 phút là trẻ đã đứng dậy hoặc ngọ nguậy rồi. Vì thế, hãy chia nhỏ bài tập thành các phần giống như các tiết học.

Khi trẻ hoàn tất một phần, chúng ta cho con đứng dậy đi lại trong nhà, thư giãn một lúc rồi mới bắt tay vào làm tiếp các phần còn lại.

Bước 4: Giúp con dọn sách vở cho ngày học hôm sau 

Sau khi con đã hoàn tất các bài tập, cha mẹ nên hướng dẫn con thu dọn góc học tập cho gọn gàng, chuẩn bị sách vở cho ngày hôm sau.

Lớp 1 chưa đọc thạo thì mẹ đánh dấu màu sắc lên trên sách vở cho con nhớ. Ví dụ: Màu vàng là thứ Hai, các quyển sách, vở học hôm thứ Hai đều có đánh dấu này và con sẽ nhanh chóng biết là cần xếp sách vở như thế nào.

Lớp 2 đã đọc thạo rồi, bây giờ cha mẹ có thể yêu cầu con tự đọc thời khóa biểu ngày hôm sau và tự chuẩn bị sách vở.

Lưu ý: Không kiểm tra xem con mang có đủ đồ dùng không. Nếu con thiếu đồ dùng, cô giáo sẽ trách phạt và con sẽ phải rút kinh nghiệm cho lần sau. Nếu nhắc nhở, con sẽ ỉ lại và hay quên hơn.

Bước 5: Cho con làm quen với sách tham khảo

Cha mẹ có thể đưa con đi hiệu sách mua. Để con hứng thú với sách, cha mẹ lựa một câu chuyện dài vừa phải, hấp dẫn trong 1 cuốn sách. Đọc cho con ½ câu chuyện đó rồi ngưng lại đi làm việc khác. Con tò mò chắc chắn sẽ mở sách ra đọc nốt.

Bước 6: Kiểm tra lại bài học của con

Các cha mẹ đừng nói với con là: “Bây giờ mẹ sẽ kiểm tra con” nhé. Cách nói đó làm con thấy mẹ như cô giáo thứ hai, luôn gây sức ép học hành cho con. Mẹ chỉ cần rủ con chơi các trò đố vui là có thể biết được con biết những gì.

Ngoài ra, mẹ có thể kể về bài học mà mẹ biết chắc chắn là con đã học. Nếu con hào hứng kể nốt phần còn lại hoặc kêu con đã biết rồi và nói tiếp thì nghĩa là con đã thuộc bài. Nếu con không nhớ thì mẹ nhắc lại cho con nhớ. Đây là cách kiểm tra dễ dàng nhất.

Các bố mẹ thân mến, các bố mẹ đừng hi vọng dạy con 1 lần mà con nhớ được ngay. Các bước này cần làm liên tục ít nhất là 1 học kì thì con mới dần quen với cách học tập.

Ngọc Anh (ghi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.