Méo mặt vì bạn bè mừng cưới bằng thẻ điện thoại

Méo mặt vì bạn bè mừng cưới bằng thẻ điện thoại

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Từ xưa tới nay, đám cưới luôn là ngày trọng đại của một con người. Người ta coi biểu tượng đám cưới như là khởi đầu cho một cuộc sống mới, hạnh phúc mới. Quà trong ngày cưới được tặng cho chủ nhân với ý nghĩa chúc phúc cho đôi uyên ương. Thế nhưng, xã hội ngày càng phát triển, quà cưới, hình thức chúc mừng lễ cưới cũng ngày càng đa dạng.

Trào lưu... bất đắc dĩ

Trong xã hội hiện đại, cuộc sống con người bị ràng buộc bởi biết bao lo toan, suy tính. Lễ cưới tuy vẫn giữ được những ý nghĩa cao đẹp của nó, nhưng quà cưới đã ít nhiều biến tướng và thay đổi ý nghĩa ban đầu. Thời buổi kinh tế thị trường, quan niệm của nhiều người, nhất là giới trẻ thì mọi việc giải quyết bằng đồng tiền. Có thể coi mừng đám cưới bằng quà của các cụ xưa là kỷ niệm một thời. Mừng đám cưới bằng phong bì ngày nay là một kiểu.

Nhưng hiện đang có một xu hướng mừng đám cưới mới, được thịnh hành trong giới trẻ, cũng là mừng tiền nhưng là tiền trong tài khoản của thẻ điện thoại. Đây là xu hướng đang phổ biến trong một bộ phận thanh niên. Nhìn qua, đây là giải pháp khá hoàn hảo, nhưng...

Những người không có điều kiện đến dự đám cưới bạn, thường chọn giải pháp gửi tiền mừng. Nhưng vào thời buổi kinh tế khó khăn, không phải ai cũng dư dả, ứng tiền ra mừng hộ, nhất là giới trẻ thu nhập chưa ổn định. Người tổ chức đám cưới ở xa, bạn bè không có điều kiện về chung vui, muốn tặng quà nhưng không thích làm phiền bạn bè, họ mua một cái thẻ điện thoại với số tiền mình định mừng, nạp mã thẻ và gửi vào máy điện thoại của bạn. Thêm một cái tin báo cho bạn biết, thế là "vẹn cả đôi đường".

Pháp luật - Méo mặt vì bạn bè mừng cưới bằng thẻ điện thoại

Ngày càng có nhiều sử dụng thẻ điện thoại làm quà cưới. Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Thị Hằng - giáo viên một trường THCS (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) vui vẻ chia sẻ: "Bạn ở xa mời cưới, không mừng không được mà mừng thì không biết làm thế nào. Trong số bạn bè của cả 2 quen biết, chẳng ai có điều kiện tham dự lễ cưới, thế là mình chuyển quà bằng tài khoản điện thoại. Đây là việc làm bất đắc dĩ nhưng cũng thú vị". Theo chị Hằng: "Bạn học đại học, khi ra trường mỗi đứa một ngả. Chơi thân với nhau 4 - 5 năm học, bạn mời cưới, không tặng quà thì rất bất tiện. Nếu tôi đi đám cưới thì không sắp xếp được công việc, gia đình. Hơn nữa, tiền tàu xe có khi gấp mấy tiền mừng. Nghe bạn bè tư vấn, tôi chọn cách mừng bằng thẻ điện thoại. Người bạn gái rất thân của tôi nhận được quà cưới bằng tài khoản thẻ điện thoại ở Nghệ An".

Chị Hằng phân trần: "Tôi đã cố gắng thu xếp công việc để đi dự nhưng không thể. Dân công chức, nhất là cô giáo như chúng tôi, thời gian gò bó lắm. Đi dự lễ cưới bạn ở xa, mất ít nhất 2 ngày, ở xa nữa là 3 đến 7 ngày, chúng tôi không thể đi được. Vì thế, tôi cảm ơn bạn trẻ nào đã "sáng tác" ra chuyện tặng quà bằng tài khoản thẻ điện thoại để được làm theo".

Anh Phạm Văn Cương, nhân viên một công ty truyền thông ở Lò Đúc, Hà Nội cho biết, thời buổi công nghệ thông tin, mình phải biết tận dụng lợi thế. "Mừng bằng thẻ điện thoại hay mừng bằng tiền mặt cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Đằng nào, bạn mình cũng phải dùng và trả cước phí điện thoại mà. Sau này mình cưới, bạn ở xa mừng như thế, tôi cũng thấy vui. Như vậy vừa đỡ phải đi xa, lại vẫn thấy ấm lòng vì bạn không quên mình".

Câu chuyện bi hài

Chuyện quà cưới, nhìn chung bây giờ không khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Chiếc phong bì đã làm đơn giản mọi việc. Nhưng khi dùng thẻ điện thoại thay chức năng phong bì, không ít người phải dở khóc, dở cười vì nhiều tình huống "nhầm hàng".

Chị Trương Thị Huyền - sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: "Có lần, một người bạn mời đám cưới, nhưng vì không thân nên tôi không đi. Sau nghĩ lại, thấy bạn bè còn gặp nhau nhiều nên tôi gửi tiền mừng. Thay vì gửi phong bì như lệ thường, tôi gửi mừng bằng tài khoản thẻ điện thoại. Không ngờ, tôi gửi nhầm sang số điện thoại của người khác. Cũng may, người ta tốt bụng, gọi lại cho tôi. Nhưng vì đã lộ mã số thẻ nên tôi đành phải mua cái khác làm quà cưới tặng bạn. Còn cái thẻ đó, tôi dùng vậy".

Chị Huyền cho biết thêm, nếu gửi nhầm mã thẻ vào số điện thoại của bạn bè mình thì không sao, nhưng gửi nhầm vào số người lạ coi như mất không. Đã mất không, lại còn không tới được địa chỉ cần tặng, thế là "mất cả chì, lẫn chài".

Thực tế, người gửi thẻ mừng cưới gặp phiền toái bao nhiêu thì người nhận tài khoản qua thẻ điện thoại cũng "khốn đốn" bấy nhiêu. Chị Nguyễn Thị Hường (ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) tâm sự: "Sau đám cưới, tài khoản điện thoại của tôi tăng lên bất ngờ. Bạn bè không về được đều gửi mừng bằng thẻ điện thoại. Tổng tiền mừng lên đến mấy triệu đồng. Ban đầu, tôi không biết làm thế nào, định để dùng dần. Nhưng một người bạn lại khuyên tôi "kinh doanh" lại. Cụ thể nếu ai có nhu cầu mua thẻ thì tôi bán lại mã thẻ cho người đó. Làm việc này, vừa thu được tiền mặt, vừa không lo chuyện "dùng bao giờ mới hết". Chị Hường tâm sự: "Nhận được một hoặc hai cái thẻ mừng thì không sao, nhưng nếu hàng chục người gửi mừng kiểu đó thì "vui không được".

Tôi mời bạn bè về dự cưới để mong mọi người có mặt, gặp gỡ nhau... chứ không phải mời để lấy tiền mừng. Cỗ làm ra, không có người ăn, tôi thấy ngại với cha mẹ, người thân. Quả thật, rất khó giải thích với người lớn về cái trào lưu "tiện" nhưng không "lợi" này”.

Anh Lê Quốc Hiếu, học viên cao học trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, việc mừng cưới bằng tài khoản điện thoại là phù hợp với nhu cầu cuộc sống bận rộn. Theo cách lí giải của anh Hiếu, trong thời buổi mỗi người phải tính toán chi li đến từng khoản để trang trải cuộc sống hiện nay, tiền đi lại, gấp mấy lần tiền mừng, thì mừng nhau qua tài khoản điện thoại là giải pháp hữu hiệu nhất. Anh Hiếu bày tỏ: "Trừ những trường hợp không thể từ chối phải đi dự, mình thấy cách làm này rất phù hợp. Đã không phải nhờ người mừng hộ mà mình vẫn có quà mừng tới bạn. “Nhất cử lưỡng tiện” quá đi chứ”.

Không đồng tình với anh Hiếu, chị Nguyễn Minh Nguyệt (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết: "Mừng như thế là quá thực dụng. Ngày cưới bao giờ cũng là ngày trọng đại của đời người, nếu mình làm vậy dễ khiến bạn cảm thấy chạnh lòng. Tình cảm giữa bạn bè với nhau, cuối cùng cũng như là những chiếc thẻ điện thoại thôi sao. Nó vừa lạnh lùng, vừa xa lạ, giống như một quy luật vay - trả của giới buôn bán, không có tình cảm trong đó". Theo chị Nguyệt, bạn mời dự cưới, cố gắng về dự được là tốt. Nếu không thì nhờ người mừng, không nhờ được thì sẽ có cơ hội khác, không nên mừng cưới cách đó.

Phạm Văn Thiệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.