Đã mù kiến thức, nhưng lại đố kị và bảo thủ
Xã hội ngày một phát triển và ngày càng sản sinh ra nhiều nhân tài. Do đó, nếu các vị “sếp già” mà chẳng chịu cầu tiến, thì chẳng mấy chốc sẽ bị các nhân viên trẻ qua mặt. Thế nhưng, chẳng phải sếp nào cũng chấp nhận sự kém hiểu biết của mình, từ đó nảy sinh nhiều mẫu thuẫn. Thực tế ngày nay, nhiều vị sếp đã dốt nhưng vẫn ăn to, nói lớn ngang nhiên khoe cái dốt của mình khiến nhiều nhân viên trẻ... khó chịu!
Anh Minh Thành (phó phòng công nghệ thông tin, công ty X), nhiều tháng nay đang phân vân với tờ giấy nghỉ việc. Chuyện là Minh Thành chăm chỉ, lại rất giỏi chuyên môn, nhưng khổ nỗi đụng phải ông sếp vừa cổ hủ, lại chẳng biết gì mà thích ra oai. Cũng xui xẻo cho anh, sếp anh do quen biết “sếp to” nên được ngồi vào cái ghế trưởng phòng chứ chẳng phải nhờ tài cán. Vì dốt nên sếp hay đố kị với người tài, giỏi hơn mình. Sếp không tin người tài, thậm chí, luôn tìm cách vô hiệu hóa họ. Bản thân sếp cũng cảm giác Minh Thành là cái gai trong mắt. Anh đang có khả năng “tranh chức” của mình, nên Thành gặp nhiều vấn đề trong công việc.
Những dự án, sáng kiến của Thành trong công việc luôn bị bác bỏ không nguyên nhân. Hoặc giả chúng vẫn được thực hiện, nhưng theo lề lối cổ hủ của sếp. Sếp không thích sự đổi mới, bỏ hết các lợi ích của công ty, và luôn cho mình là đúng. Có những khi Thành làm việc ngày đêm, để công việc thật tốt, nhưng vị sếp bất tài lại tranh công của mình. Các nhân viên khác cùng phòng nhiều người thông cảm và thương khuyên anh nên tìm chổ khác để vươn xa hơn. Bất mãn đã lâu, Thành quyết định làm đơn xin nghỉ dù còn nhiều tiếc nuối.
Cùng trong hoàn cảnh như Thành, nhiều nhân viên bất mãn với sếp mình. Nhưng quả thật, sẽ rất khó chịu nếu sếp đã kém, còn thích chứng tỏ quyền lực của mình. Đối đầu với sếp thì chẳng được gì, mà cứ theo sếp thì công việc bế tắc, lại giảm chuyên môn. Nhất là nhiều ông sếp tính hay để bụng: ai nhắc nhở thói hư tật xấu của sếp thì sếp "đẩy cục tức đó vào góc miệng, ậm ừ cho qua chuyện", rồi thỉnh thoảng, lại kiếm chuyện. Đó cũng trở thành nguyên nhân nghỉ việc của không ít nhân viên trẻ, giỏi.
Có nên nghỉ việc vì sếp dốt?
Một công ty muốn phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người lãnh đạo. Nếu sếp có tài, sáng suốt, có tâm thì không chỉ công ty, mà cả cấp dưới cũng sẽ có tương lai và phát triển. Làm việc dưới trướng của sếp giỏi thì chẳng cần phải suy nghĩ nhiều lắm bởi sếp hoạch định chiến lược, sắp xếp công việc quá hoàn hảo rồi. Nếu sếp lại là người giao lưu rộng, có uy tín thì lại càng nhàn. Đến đâu giao dịch mọi thứ cũng như bày sẵn hết cả. Ngược lại, nếu lãnh đạo mà dốt, lại không có đạo đức thì cố làm việc lâu dài đôi khi khiến công việc và tương lai của nhân viên đi vào vế tắc.
Tuy nhiên, cũng không nên vội vã vì sếp chẳng giỏi mà từ bỏ công việc. Đôi khi sếp dốt chính là thời cơ cho những nhân viên giỏi thể hiện khả năng của mình. Nguyên nhân bởi thường sếp yếu chuyên môn thì lập trường của sếp như cây non trước bão. Người bảo thế này là đúng sếp "đánh giá" tuyệt vời, người kia nói thế kia mới đúng, sếp cũng gật đầu ư ử. Thế nên, nếu khéo léo trong cách cư xử và làm việc có logic, thông minh, thì bạn vẫn có cơ hội phát triển bản thân.
Như trường hợp của Ngọc Lan (Phú Nhuận) là một trong số ít những nhân viên thông minh, biết vươn lên dưới tay sếp dốt. Thời gian đầu đi làm, Lan xin làm sale cho công ty, mặc dù sếp chẳng giúp ích, hay tạo cho Lan những mối quan hệ, nhưng cũng nhờ đó, Lan biết cách làm chủ công việc và sắp xếp chúng hiệu quả. Xác định được mục tiêu và suy nghĩ không dựa dẫm, Lan kí kết được nhiều hợp đồng và đối tác lớn mà sếp chỉ dám... đứng nhìn. Cấp trên thấy được khả năng của Lan, nên chỉ sau nửa năm làm việc, Lan liền được đưa lên thay thế vị sếp già cổ hửu.
Đối với công việc, hãy cố gắng tối đa để hoàn thành công việc của mình. Dù là với cách thức cổ hửu của sếp hay bất kì cách nào khác. Như vậy, để những người cùng làm và bản thân sếp cũng thấy rằng bạn đã trực tiếp đóng góp vào thành công của tập thể. Đừng để người khác lấy lý do sếp tồi không biết quản lý mà làm giảm giá trị của mình. Nếu bạn vin vào lí do sếp tồi khi không hoàn thành nhiệm vụ, thì mọi người vẫn chỉ xem bạn là một nhân viên kém.
Hãy tận dụng sự thông minh, khéo léo của mình để tạo ra những mối quan hệ mới trong công việc. Đồng thời để bạn bè, đối tác biết rõ mình là ai và làm việc như thế nào. Những cuộc gặp gỡ với người này người kia, và đôi khi tạo ra cho bạn những cơ hội để thăng tiến.
Biết rằng, việc đầu quân phải sếp dốt là một thiệt thòi cho bản thân nhân viên. Nhưng đừng để nó làm ảnh hưởng đến công việc và niềm đam mê của bản. Nhân viên giỏi thì chẳng cần chọn lựa sếp. Hãy thử thay đổi tình thế bằng cách phấn đấu trong công việc, ngay cả khi sếp kém thử xem.
Theo Afamily