Các nhà khoa học vừa phát hiện một con thằn lằn 23 triệu năm tuổi thuộc một loài mới ở Chiapas, Mexico bị mắc kẹt trong một miếng hổ phách từ thời nguyên thủy với phần mô mềm vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Francisco Riquelme thuộc Đại học Quốc gia Mexico cho hay “sinh vật có khớp hoàn chỉnh vẫn còn nguyên vẹn mô mềm và da” có chiều dài khoảng 4,6 cm này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hổ phách ở San Cristobal de las Casas, Mexico.
Con thằn lằn mắc kẹt trong miếng hổ phách
Nghiên cứu ban đầu của tờ Khoa học Thế giới cho thấy con thằn lằn này là một loài mới trong 400 loài thuộc chủng Anolis. Nổi tiếng với khả năng thích nghi của mình, các loài thằn lằn thuộc chủng Anolis có thể thay đổi màu sắc tùy theo môi trường xung quanh.
Với hàng trăm loài thằn lằn đã được khám phá, các nhà khoa học xếp chủng này là những loài bò sát đầu tiên được sắp xếp theo trình tự.
Các nhà khoa học đã sử dụng tuổi của mẫu hổ phách để xác định tuổi tương đối của con thằn lằn cổ đại này. Ông Gerardo Carbot, giám đốc Bảo tàng Cổ sinh vật Chiapas cho biết mẫu hổ phách nơi con thằn lằn này bị nhốt được hình thành từ cách đây ít nhất 23 triệu năm.
Hổ phách là nhựa cây hóa thạch màu trong mờ và thường chứa đựng các mẫu cây cối hoặc động vật, tuy nhiên việc tìm thấy một động vật có xương sống hoàn chỉnh được bảo quản nguyên vẹn trong hổ phách như con thằn lằn này là vô cùng hiếm hoi.
Động vật cổ xưa nhất được tìm thấy trong hổ phách là những con bét (một loại côn trùng hút máu, còn gọi là ve) 230 triệu năm tuổi được phát hiện ở đông bắc Ý. Tờ Tin tức Khoa học cho biết các nhà khoa học đã phân tích 70.000 mẫu hổ phách cho đến khi họ tìm ra một miếng hổ phách có chứa hóa thạch con bét.
Ông David Grimaldi ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ cho hay: “Khủng long đến rồi đi, nhưng loài bét thì hầu như không thay đổi. Cấu trúc cơ thể của chúng cách đây hàng trăm triệu năm vẫn tương tự như những con bét ngày nay.”
Theo Khám phá/IBTimes