Chuyện mì gói Sagami trùng tên một loại bao cao su của Nhật Bản mới đây khiến không ít người bất ngờ. “Chuyện trùng tên cũng chẳng có gì đặc biệt, người với người, phố với phố trùng tên nhau mãi có sao đâu. Chỉ thấy buồn cười vì trường hợp này lại trùng đúng với tên bao cao su, sản phẩm khá nhạy cảm”, anh Trịnh Quốc Hải, sống ở Minh Khai, Hà Nội chia sẻ.
Việc nhãn hiệu mì gói mới của Masan trùng tên hãng bao cao su Sagami của Nhật Bản khiến không ít người bất ngờ. Giám đốc một công ty truyền thông tại TPHCM chia sẻ, việc trùng tên với sản phẩm khác cũng là bình thường nhưng nếu có thể tránh được điều đó và tạo ra một ấn tượng riêng biệt sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định: "Một người tên Tuấn bị kết án tù chung thân thì không có nghĩa là tất cả những người khác tên Tuấn phải đổi tên để tránh bị hiểu là giống người kia. Thêm vào đó, đây là 2 ngành hàng khác nhau thì sự trùng hợp này chỉ tạo nên hiệu ứng buồn cười chứ không có những tác động tiêu cực lớn".
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trần Quang Nhựt, đại diện Công ty Masan (nhãn hàng Sagami), cho biết, trước khi tung nhãn hiệu mì gói Sagami ra thị trường, công ty này đã có một cuộc khảo sát người tiêu dùng với 5 tên thương hiệu. Trong đó, Sagami được nhiều khách hàng chọn nhất vì âm phát hay, dễ nhớ. Bản thân Masan cũng thấy tên đó phù hợp vì nghe thuận tên “nhãn hiệu mẹ” là Omachi. Đến khâu kiểm duyệt trước khi chốt tên thương hiệu, công ty biết Sagami là tên một hãng bao cao su tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, sau khi đưa thông tin này đến hỏi cảm nhận của người tiêu dùng – những người đã chọn tên sản phẩm trong cuộc khảo sát trước đó, Masan bất ngờ vì hầu hết mọi người vẫn thích tên Sagami. “Khi chúng tôi hỏi, phản ứng đầu tiên của khách hàng là bật cười khúc khích. Song đa phần họ đều nói ‘Chẳng vấn đề gì, nghe thấy vui thôi’.
Có chị còn chia sẻ: "‘Ở Việt Nam có bao cao su OK, nhưng hằng ngày chúng tôi vẫn nói OK mà có thấy sao đâu".
Masan tôn trọng sở thích người dùng nên cuối cùng cái tên Sagami vẫn được chọn. Mì gói là dòng sản phẩm có đối tượng tiêu dùng rất rộng nên việc khảo sát thị hiếu người tiêu dùng, chọn theo theo mong muốn của khách hàng là điều rất quan trọng”, ông Nhựt cho biết. Theo đại diện mì gói Sagami, chuyện trùng tên ít nhiều gây xôn xao dư luận nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của dòng sản phẩm này. Bởi tên gọi chỉ để nhận diện thương hiệu và giúp người dùng dễ nhớ; còn chất lượng, hương vị, khẩu vị, hình ảnh bao bì… mới là những yếu tố quyết định đến việc khách hàng có chọn và tiêu dùng sản phẩm hay không.
Theo Tri thức