Hằng đêm, trên các con đường hay hẻm nhỏ đều Sài thành vang lên tiếng lóc cóc, lách cách với tiếng rao: “Mì gõ đây, mì gõ đây…”. Ban đầu là thế, tuy nhiên dần dà về sau, người đi rao không thèm cất tiếng mà chỉ gõ lách cách là dân Sài Gòn biết ngay, đó là mì gõ và kêu liền mấy tô cho người nhà ăn.
Mì này xuất phát là từ người Hoa ở vùng Chợ Lớn và rải rác một vài tiệm ở loanh quanh khu vực Sài Gòn (quận 1, 3 ngày nay) nhưng rất ít. Do đó để ăn được mì gõ chính hiệu thì dân Sài Gòn phải ra Chợ Lớn nên nhiều người làm biếng, đặc biệt là về đêm.
Thế nên, cứ hễ nghe tiếng lóc cóc, leng keng là họ lại kêu cho bằng được tô mì gõ. Có anh nhà giàu đang đêm đói bụng, chờ mãi không thấy tiếng lóc cóc, leng keng đâu, dù đã khuya nhưng không tài nào ngủ được. Anh bật dậy khỏi giường, xách chiếc 67 chạy một mạch từ Sài Gòn ra Chợ Lớn gọi tô mì.
Sợ người khác biết mình ăn mì thất nghiệp nên anh ngồi một góc xa và kêu một tô ăn chóng vánh. Ăn chưa đã, anh lại kêu: “Cho thêm tô nữa”. Và cuối cùng, anh xơi hết luôn 3 tô.
Hay chị Hai Sài Gòn thấy thèm mì lúc giữa khuya, lại đang mang bầu liền tức tốc kêu chồng ra Chợ Lớn mua mì. Ông chồng đang ngon giấc, khó chịu vùng vằng kêu la… Nhưng chị Hai vốn tính tiểu thư, nhất quyết đòi cho bằng được, anh chồng cũng phải cưỡi Cup 50 phi một mạch ra Chợ Lớn mua mì về cho vợ.
Ai cũng ăn được nhiều tô mì là cách buôn bán của người Hoa cực kỳ thông minh và khéo léo. Họ dùng loại tô dưới đít thì nhỏ ở trên thì to. Họ chỉ bỏ mì rất ít ở dưới đáy tô, thường là một vắt, sau đó, bỏ thêm rau và đổ nước lèo vào nên trông to rất to. Thực ra chẳng được bao nhiêu. Vì thế, một người ăn hết hai ba tôi là điều bình thường.
Về sau, biết chủ quán chơi khăm, thực khách liền kêu ba, thậm chí kêu luôn ba vắt mì ăn cho đã đời và chấp nhận bị tính thêm tiền. Tuy nhiên, tính ra như vậy vẫn lợi hơn là ăn liền một lúc hai, ba tô. Ăn mì gõ chính hiệu thì không dùng muỗng múc nước. Ăn vậy là không ngon mà phải bưng tô lên, kề miệng húp sụp soạt mới đã. Ăn xong tô mì, mình mẫy ướt hết mồ hôi, cảm giác khoan khoái, cực đã.
Mì gõ tồn tại từ trước 75 cho mãi đến những năm 2000. Sau này nhiều người từ nơi khác về Sài Gòn cũng làm mì gõ, tuy nhiên, không ngon và đúng chất bằng người Hoa ở vùng chợ Lớn. Được cái giá mì của những người nơi khác làm rẻ hơn nhiều và tô có nhiều mì hơn nên người lao động nghèo hoặc những anh thất nghiệp ăn cực no. Dù vậy, đúng chất mì gõ Sài Gòn thì phải đến vùng Chợ Lớn hoặc đến các tiệm của người Hoa tại Sài Gòn thưởng thức mới ngon.
Ngày nay, tại Sài Gòn đã không còn mì gõ. Tuy nhiên, rải rác khắp Sài Gòn vẫn còn nhiều tiệm mì của người Hoa truyền lại cho con cháu ăn cũng cực ngon, cực đã. Dấu hiệu nhận biết là những chiếc xe gỗ hay inox cũ kỹ, với những tên như Tiệm Mì Huỳnh Ký, Đệ Nhất Ký Mì Gia, Tiệm Mì Gia Ký…