Theo giải thích của công ty, ngưng hoạt động bán hàng đề cập đến ngày mà các phiên bản này của Windows không còn được cung cấp đến các nhà bán lẻ hoặc nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM). Điều đó có nghĩa là những nhà sản xuất máy tính như Dell hay Toshiba sẽ không còn cung cấp cho người dùng những máy tính được cài đặt sẵn Windows 7 hoặc 8.1.
Trên thực tế, OEM là cách chính thức cuối cùng để người dùng có thể nhận được bản sao của Windows 7 và Windows 8.1, bởi vì Microsoft đã ngừng bán lẻ các phiên bản này cho người tiêu dùng cách đây 2 năm. Do đó, mỗi máy tính Windows mới sẽ đi kèm với Windows 10, và người dùng sẽ không còn quyền hạ cấp hệ điều hành để tiếp cận với các phiên bản Windows trước đó.
Do đó, nếu vẫn muốn có một máy tính mới được cài đặt sẵn Windows 7 hoặc 8.1 thì hãy nhanh chóng mua các máy tính đến từ những OEM khi họ đang ‘thanh lý’ tất cả các sản phẩm hiện có, và dĩ nhiên điều này sẽ không kéo dài. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm mua sản phẩm đến từ eBay hoặc những người dùng cá nhân khác nếu muốn có một bản sao chính hãng.
Ra mắt đầu tiên vào năm 2009, Windows 7 đã đạt doanh số bán hàng mạnh mẽ trong suốt 7 năm, trong khi Windows 8/8.1 chỉ kéo dài 4 năm. Một sự phản ánh rõ về sức hấp dẫn của các hệ điều hành đối với người tiêu dùng.
Hành động của Microsoft nhằm mục đích thúc đẩy doanh số Windows 10 tăng trưởng trong thời gian tới, tuy nhiên công ty vẫn tiếp tục hỗ trợ Windows 7 và 8.1 đến tháng 1/2020 và 2023 tương ứng.
Được biết, mức tăng trưởng của hệ điều hành mới nhất từ Microsoft dường như bị trì trệ kể từ khi Microsoft kết thúc chương trình nâng cấp miễn phí, bất chấp Microsoft đã làm hết sức mình để chuyển người dùng Windows 7 và 8 sang Windows 10 trong những tháng gần đây.
Mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, đây là lúc Microsoft đặt nhiều kỳ vọng doanh số Windows 10 sẽ tăng và chiếm khoảng 25% thị phần.
Diệu Anh theo Forbes