Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta sẽ ảnh hưởng đến vùng núi phía bắc vào trưa 7/11, sau đó tác động đến những nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Ngày 7/11, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ mưa lớn. Nền nhiệt dao động 18-21 độ C, giảm 8-10 độ C so với những ngày trước đó.
Đến đêm, khu vực chuyển rét với mức nhiệt thấp nhất 15-18 độ C. Vùng núi có nơi rét đậm 12-15 độ C. Khu vực núi cao như Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có thể ghi nhận nhiệt độ dưới 8 độ C.
Từ ngày 9/11, trời hửng nắng, nhiệt độ khu vực Đồng bằng Bắc Bộ tăng lên ngưỡng 20-22 độ C. Dù vậy, nhiệt độ nhanh chóng hạ xuống ngưỡng rét vào ban đêm, dao động 15-16 độ C. Chênh lệch nhiệt giữa ngày và đêm lớn.
Đợt rét này được dự báo kéo dài, nhiệt độ có thể tiếp tục xuống thấp sau ngày 12/11.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong đợt rét sắp tới, nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh miền Bắc thấp dưới 20 độ C, ban ngày trời nắng và rét sâu về đêm. Đây là đợt rét xảy ra trên diện rộng và nhiệt độ xuống thấp nhất kể từ đầu mùa.
Theo bản đồ dự báo, Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ trải qua 2 giai đoạn khi đón đợt không khí lạnh sắp tới. Ngày 7-8/11, trời rét ẩm, mưa dông, nhiệt độ giảm xuống ngưỡng 16-20 độ C.
Ngày 9-13/11, Hà Nội có rét về đêm và sáng sớm với mức nhiệt thấp nhất 15 độ C. Thời tiết nắng ấm vào ban ngày, nhiệt độ cao nhất 23 độ C.
Cùng lúc, ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió đông trên cao nên khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa bước vào đợt mưa lớn trên diện rộng kể từ ngày 8/11. Tuần tới, thời tiết miền Trung không ổn định khi Bắc Trung Bộ chuyển rét còn Nam Trung Bộ mưa dông.
Ngày 10-12/11, các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận khả năng xuất hiện một đợt lũ. Chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh, thành phố trên.
Về thời tiết Nam Bộ, cơ quan khí tượng cho biết khu vực duy trì trạng thái trời nắng ban ngày, chiều và đêm xuất hiện mưa rào kèm theo dông.
Ngày 6-8/11, ảnh hưởng của triều cường kết hợp nước dâng khiến mực nước hạ nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn có thể lên báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3. Trong đợt này, mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể ghi nhận được là 4,36 m.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh, thành phố hạ nguồn sông Cửu Long, Tp.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long. Mực nước cao nhất sẽ xuất hiện vào khoảng thời gian 0h-5h và 14h-18h trong hai ngày tới.
Đáng lưu ý, ngày 7-8/11, khu vực nam Biển Đông có thể xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới. Cơ quan khí tượng chưa đưa ra nhận định cụ thể về hình thái này.
Thông tin về diễn biến thời tiết thời gian qua ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, ông Hưởng cho hay ở thời điểm này hàng năm, kiểu thời tiết mưa lạnh kéo dài như những ngày qua ít khi xảy ra.
Theo ông Hưởng, tháng 10 hàng năm là giai đoạn chuyển mùa với kiểu thời tiết nắng mưa thất thường. Đến cuối tháng 10 và đầu tháng 11 hàng năm miền Bắc thường trong giai đoạn nắng hanh, độ ẩm trong không khí thấp do khối không khí lạnh đã bắt đầu chi phối thời tiết miền Bắc.
Tuy nhiên, tháng 10/2021 có đôi nét đặc biệt. Cụ thể, từ ngày 28/10 tới giờ ở các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Tuy nhiên khối không khí lạnh này không xuống sâu phía nam như thường thấy trong giai đoạn cuối tháng 10 mà lại lệch đông, tạo ra đới gió Đông Nam mang hơi ẩm từ vịnh Bắc Bộ vào đất liền.
Chính vì vậy, miền Bắc liên tục có mưa, mưa rào, mưa nhỏ đan xen; mưa cộng với không khí lạnh đã làm cho nền nhiệt các tỉnh Bắc Bộ cũng như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh giảm xuống đáng kể. Mức nhiệt trung bình trong các ngày từ 28/10 tới nay phổ biến chỉ khoảng 21-23 độ C ở vùng đồng bằng, 19-21 độ C ở khu vực vùng núi. Trời rét ở vùng núi và lạnh ở vùng đồng bằng.
"Từ cách đây khoảng 3 tháng, trong bản tin dự báo mùa phát hành tháng 8, 9 và tháng 10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã nhận định năm nay mùa Đông đến sớm hơn so với mọi năm", ông Hưởng cho hay.
Theo Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thống kê chuỗi số liệu khoảng 50 năm gần đây thời tiết lạnh trong những ngày cuối tháng 10 hầu như năm nào cũng xảy ra, thậm chí còn có năm ở mức trời rét. Tuy nhiên, thời tiết kiểu có mưa liên tục từ 3-5 ngày cuối tháng 10 và nhiệt độ trung bình ngày từ 20-22 độ C (ở mức độ trời lạnh) như năm 2021 thì không phải năm nào cũng có.
Theo thống kê tại trạm khí tượng Hà Đông từ năm 1981 đến nay, lần gần nhất có mưa liên tục trong 3-5 ngày và nhiệt độ trung bình ngày ở ngưỡng trời lạnh xảy ra vào tháng 10/2001, cách đây đúng 20 năm.
Ngoài ra, trong các tháng 10 của các năm 1985, 1986, 1988, 1993 cũng có kiểu thời tiết tương tự, có mưa liên tục và nhiệt độ trung bình ngày phổ biến từ 20-22 độ C (trời lạnh), thậm chí năm 1988 nhiệt độ trung bình ngày còn ở mức 17-19 độ C (trời rét).
"Như vậy có thể sơ bộ là trong những năm thập niên 90 trở lại trước kiểu thời tiết này tần suất xảy ra nhiều hơn, tuy nhiên trong những năm gần đây tần suất xảy ra có xu thế thưa hơn so với những năm từ thập kỷ 90 trở về trước", ông Hưởng nhận định.
Quốc Tiệp (Theo Zing, VTC News)