Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; vùng biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9. Trên đất liền có gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4, có nơi có gió giật mạnh cấp 7-8.
Cụ thể, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét đậm, vùng núi Bắc Bộ trời rét hại; ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét, có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 9-12 độ, riêng khu vực vùng núi phổ biến 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ; ở Bắc Trung Bộ phổ biến từ 10-13 độ, ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 13-15 độ.
Trên biển ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao 5,0-7,0m, biển động rất mạnh. Đêm gió giảm dần.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.
Ở khu vực vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to.
Dự báo thời tiết ngày 24/12/2023 các vùng miền trên cả nước:
Phía Tây Bắc Bộ: Sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió nhẹ. Trời rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ, có nơi dưới 6 độ. Nhiệt độ cao nhất 16-19 độ.
Phía Đông Bắc Bộ: Sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Trời rét đậm, vùng núi rét hại. Khu vực trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ, vùng núi 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ. Nhiệt độ cao nhất 15-18 độ, có nơi trên 18 độ.
Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế: Phía Bắc có mây, đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng; phía Nam nhiều mây, có mưa rào rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3, vùng ven biển cấp 4. Trời rét, riêng phía Bắc trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất: Phía Bắc 11-13 độ; phía Nam 13-15 độ. Nhiệt độ cao nhất: 15-18 độ.
Đà Nẵng đến Bình Thuận: Nhiều mây, có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to; riêng Ninh Thuận, Bình Thuận có mưa rào vài nơi. Gió đông bắc mạnh cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4, có nơi có gió giật mạnh cấp 7-8. Phía Bắc trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất: Phía Bắc 17-20 độ, phía Nam 21-24 độ. Nhiệt độ cao nhất: Phía Bắc 20-23 độ, phía Nam 25-27 độ, riêng Ninh Thuận, Bình Thuận 27-30 độ.
Tây Nguyên: Có mây, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió đông bắc đến đông cấp 3. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ.
Nam Bộ: Có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc đến đông cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ, miền Đông có nơi dưới 22 độ. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ, miền Đông có nơi trên 32 độ.
Hà Nội: Sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất 9-11 độ. Nhiệt độ cao nhất 17-19 độ.
Vì sao trời lạnh hay bị ốm?
Khi trở lạnh dễ bị ốm bệnh, nhất là bệnh đường hô hấp bởi đó là do sự tác động của thời tiết vào cơ thể. Lạnh làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm sức đề kháng. Nhìn chung khả năng miễn dịch trong mùa lạnh sẽ giảm hơn vào mùa ấm, ngoại trừ trường hợp người ta dùng biện pháp lạnh để rèn luyện.
Mùa lạnh cũng là mùa bùng phát của nhiều vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Ví dụ như vi rút cúm, vi rút adeno (vi rút gây bệnh chủ yếu như: sốt viêm họng, viêm kết mạc mắt); vi khuẩn viêm phổi (phế cầu khuẩn); vi khuẩn màng não (não cầu khuẩn). Sự phát triển mạnh của những mầm bệnh này khiến cơ thể dễ ốm.
Đường hô hấp là "cửa ngõ của cơ thể". Bao nhiêu mầm bệnh, bao nhiêu chất độc hại đường hô hấp đều hứng trọn hết. Chính vì vậy đường hô hấp dễ bị rắc rối nhất trong cơ thể. Đây cũng là hệ thống cơ quan chịu nhiều tác động của môi trường nên bệnh đường hô hấp trở nên rất phổ biến vào mùa lạnh.
Không chỉ vậy, lớp tế bào biểu mô đường hô hấp khá nhạy cảm. Chúng rất dễ bị tổn thương khi niêm mạc mũi họng bị khô. Mùa lạnh, không khí trở nên hanh khô, tốc độ bay hơi nước ở bề mặt rất nhanh. Các tế bào này nhanh chóng bị khô bề mặt, tổn thương, tạo kẽ hở cho vi rút và vi khuẩn xâm nhập. Và do đó, bệnh hô hấp có tần suất mắc rất cao.
Do đó, việc giữ ấm cơ thể khi chớm lạnh là biện pháp đơn giản mà hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh viêm mũi họng.
Trúc Chi (t/h)