Dự báo về thời gian không khí lạnh mạnh nhất mùa đông năm nay, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chia sẻ với Lao Động, tháng 11/2024, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C, có nơi cao hơn.
Theo dự báo thời tiết dài hạn tháng 12/2024 - 1/2025, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Từ tháng 2 - 4/2025, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng tháng 3/2025 có khả năng cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
"Không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 12/2024 - 2/2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này", ông Lâm cảnh báo.
Theo Phó Giám đốc cơ quan khí tượng, hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm).
Về xu thế mưa, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, trong các tháng cuối năm, trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, sét và gió giật mạnh.
"Các đợt mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong tháng 11/2024. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường, khoảng cuối tháng 11 tại Tây Nguyên, Nam Bộ và cuối tháng 12/2024 tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ", ông Hoàng Phúc Lâm nhận định.
Đáng chú ý, dự báo thời tiết áp cao cận nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh sẽ "khống chế" cơn bão số 7 di chuyển lên phía Bắc. Cụ thể, trong khoảng hôm nay, bão số 7 vẫn duy trì cường độ mạnh nhất, sau đó suy yếu dần do tác động của không khí lạnh, không khí khô và độ ẩm thấp. Hướng di chuyển của bão số 7 bị chi phối bởi dòng dẫn môi trường do áp cao cận nhiệt đới nên bão khó có thể di chuyển về phía Bắc. Khi đi vào Bắc quần đảo Hoàng Sa, bão sẽ đổi hướng Tây Tây Nam đi về phía biển Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm 7-9m, biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Bên cạnh đó, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống, ngày 11/11, không khí lạnh tiếp tục tăng cường đẩy đường đi của bão lệch về phía nam. Cũng do không khí lạnh tăng cường khiến sức mạnh của bão suy yếu xuống còn cấp 10, giật cấp 12.
Dự báo thời tiết trong tuần giữa tháng 11 (11-20/11), khả năng có 2-3 đợt tăng cường của không khí lạnh, có những đợt kéo dài 4-5 ngày. Đi kèm với những đợt tăng cường là những nhiễu động trong đới gió đông có khả năng gây mưa rào và giông cho khu vực trong khoảng 1-2 ngày. Theo Vietnamnet, tuần cuối (21-30/11) có khoảng 2-3 đợt tăng cường về phía nam và khuếch tán xuống khu vực của không khí lạnh. Rãnh áp thấp hoạt động mạnh và có xu hướng nâng nhẹ trục lên phía bắc với khả năng xuất hiện những vùng áp thấp trên khu vực nam Biển Đông và ảnh hưởng đến thời tiết khu vực ven biển và đất liền Nam Bộ.
Trúc Chi (t/h)