Biến thể Delta có khả năng lây lan gần gấp đôi so với các biến thể trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính 99,8% tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của đất nước này là do biến thể Delta. Các chuyên gia dự đoán biến chủng Covid-19 này sẽ áp đảo các biến thể khác như Mu ở Mỹ, giống như nó từng áp đảo biến thể Alpha ở Anh.
Trong cuộc chiến chống lại biến thể Delta, các chuyên gia cho rằng tiêm chủng vẫn là yếu tố quan trọng. CDC đưa ra khuyến cáo, bất kỳ ai đủ điều kiện nên tiêm vắc-xin, kể cả những người đã bị nhiễm Covid-19 trước đây.
Khi một người nhiễm SARS-CoV-2, virus gây ra Covid-19, cơ thể họ sẽ sản xuất kháng thể 1 tuần sau khi nhiễm bệnh. Mặc dù các kháng thể từ việc nhiễm virus có thể cung cấp các mức độ bảo vệ chống lại một nhiễm trùng khác trong tương lai (được gọi là "miễn dịch tự nhiên"), nhưng những người đã nhiễm virus vẫn có thể dễ bị tổn thương, đặc biệt đối với biến thể Delta.
Tiến sĩ Sabrina Assoumou, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Boston, cảnh báo không nên dựa vào khả năng miễn dịch tự nhiên để chống lại Covid-19.
“Vẫn có những câu hỏi về việc bảo vệ nhờ khả năng miễn dịch tự nhiên để chống lại các biến thể. Một nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng tái nhiễm ở những người không được tiêm chủng cao hơn so với những người đã được tiêm chủng”, Tiến sĩ Assoumou chia sẻ với Tạp chí Newsweek.
Nghiên cứu của CDC Mỹ mà bà Assoumou tham khảo chỉ ra rằng những người ở bang Kentucky (Mỹ) đã mắc Covid-19 và chưa được tiêm phòng có nguy cơ bị tái nhiễm cao hơn gấp đôi so với những người đã tiêm vắc-xin đầy đủ.
Tiến sĩ Peter Chin-Hong, giáo sư y khoa tại Trường đại học UCSF và là bác sĩ bệnh truyền nhiễm ở San Francisco, California, cũng cảnh báo không nên dựa vào khả năng miễn dịch tự nhiên để chống lại Covid-19. Theo ông Chin-Hong, khả năng miễn dịch tự nhiên nói chung là một điều tốt và có thể phát triển mạnh mẽ ở nhiều người, song nó có thể khác nhau ở mỗi người và không có điều gì cho biết miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài bao lâu. Hiệu quả của miễn dịch tự nhiên có thể phụ thuộc vào thời điểm một người bị nhiễm bệnh. Hơn nữa, khả năng miễn dịch tự nhiên có thể không bảo vệ tốt trước tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Vì thế, các chuyên gia đều khuyến nghị biện pháp tốt nhất để chống lại Delta theo chứng minh của khoa học là tiêm chủng, bao gồm cả những người đã từng mắc Covid-19.
Các chuyên gia cho biết, so với miễn dịch tự nhiên, khả năng miễn dịch từ tiêm chủng mạnh mẽ hơn và dễ dự đoán hơn - khiến nó trở thành con đường tốt nhất để bảo vệ chống lại bệnh nặng do biến thể Delta.
Trong khi nhiễm trùng tạo ra kháng thể chống lại tất cả các protein trong một chủng virus cụ thể, thì việc tiêm vắc-xin tập trung nhiều hơn vào việc trung hòa protein quan trọng nhất. Các kháng thể chống lại các protein đột biến của virus sẽ vô hiệu hóa toàn bộ virus, điều này ngăn không cho nó xâm nhập vào các tế bào và khiến bạn bị bệnh. Việc tiêm vắc-xin với người đã từng mắc Covid-19 rất quan trọng, vì vắc-xin tạo ra nhiều kháng thể hơn so với nhiễm trùng tự nhiên.
Theo các chuyên gia, những người đã mắc và khỏi Covid-19 có thể tiêm vắc-xin sau khi mắc bệnh 6 tháng để có miễn dịch tốt hơn. Các loại vắc-xin được cấp phép hiện nay đều có tác dụng bảo vệ chống lại các triệu chứng bệnh nặng của Covid-19 - bao gồm cả biến thể Delta.
Mặc dù vậy sự tái nhiễm Covid-19 xảy ra ở tỉ lệ nhỏ những người đã được tiêm chủng đầy đủ, ngay cả với biến thể Delta. Để giảm rủi ro bị nhiễm biến thể Delta và có khả năng lây lan cho người khác, CDC Mỹ khuyến nghị:
Những người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở mọi nơi, đặc biệt là khi bản thân họ hoặc người nhà bị suy giảm miễn dịch hoặc thuộc nhóm có nguy cơ cao. Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng bao gồm người cao tuổi và những người có sẵn bệnh nền như đái tháo đường, thừa cân hoặc béo phì và bệnh tim. Đồng thời luôn thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên...
Minh Hoa (t/h theo VOV, Sức khỏe và Đời sống)