Giảm 32.400 tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí đã được miễn, giảm, gia hạn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 39.800 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 7.400 tỷ đồng, số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32.400 tỷ đồng.
Tính cả 6.100 tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 45.900 tỷ đồng.
Những hỗ trợ kịp thời này đã góp phần quan trọng đưa kinh tế doanh nghiệp, đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 1 Dự án Luật; xây dựng và trình Chính phủ ban hành 9 Nghị định, xem xét ban hành 9 dự thảo Nghị định, 9 đề án khác; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định, xem xét ban hành 1 Quyết định
Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 37 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, miễn, giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Trong những năm gần đây, chưa bao giờ chỉ trong trong 6 tháng đầu năm ngành tài chính triển khai nhiều chính sách tài khóa đến vậy. Phó Thủ tướng cho biết Bộ Tài chính đã vào cuộc chủ động, tích cực, dành nhiều thời gian để nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra nhiều chính sách do Bộ Tài chính tham mưu, ban hành đã phát huy hiệu lực hiệu quả, được dư luận đánh giá tốt như: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội; Nghị định số 34 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 18 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; ban hành Thông tư giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022...
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý thu - chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước để ổn định, phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; ban hành các chính sách giảm thuế, phí để góp phần kìm hãm đà tăng và bình ổn giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát....
Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Tài chính đã chủ động tham gia cùng các bộ ngành xử lý các tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn của nền kinh tế.
Theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Bộ Tài chính phải có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Một là, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích, dự báo; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính cần sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Đề án huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ ba, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế (cả đối tượng và địa bàn); chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.
Thứ tư, về chi ngân sách, trong phạm vi dự toán được giao. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính…
Thứ năm, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm, để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả thị trường, nhất là giá các mặt hàng xăng dầu.