Ngày ấy, điều kiện kinh tế không được như bây giờ nhưng không khí Tết sao mà chộn rộn, náo nức thế.
Từ một, hai tháng trước Tết, mẹ tôi đã tranh thủ vừa đi chợ bán đũa vừa tranh thủ sắm trước khi thì chút mộc nhĩ, nấm hương, lúc là ít miến dong, bóng bì… còn chị em chúng tôi chỉ đếm ngược đến trông ngày Tết đến để được sắm bộ quần áo mới, được ăn những món mà cả năm chỉ được thưởng thức một lần.
Khoảng 27, 28 Tết,gia đình tôi và các cô các chú lại tập trung ở khoảng sân rộng trước căn nhà cổ ba gian để gói bánh . Mỗi người một công một việc, người mua thịt, người vo gạo, đãi đỗ, người gói bánh, dựng bếp, riêng mấy chị em tôi được phân côngnhiệm vụ rửalá dong từ ngày hôm trước.
Bánh gói xong, cha tôi xếp mấy viên gạch ở giữa sân làm bếp đun bánh. Nồi luộc là chiếc thùng phuy cũ được ông tôi gò lại.
Tôi còn nhớ mẹ tôi thường tranh thủ đặt sẵn ấm nước hay nồi măngbên cạnh để tận dụng hơi nóng phả ra từ bếp đun bánh. Còn chúng tôi vừa cào than vừa thi thoảng rút những thanh củi nhỏ đập đập vào nền gạch, những tàn than bắn lên trong đêm tối nhìn lấp lánh như pháo hoa đêm giao thừa.
Những ngày giáp Tết,trời lạnh cắt da cắt thịt,mấy chị em tôi thường trải chiếu, nằm cuộn mình trong ruột chiếc chăn bông sờn cũ bên góc bếp, gần nồi bánh chưng nghi ngút khói. Cha mẹ, cô chú ngồi bên cạnh tiếp nước đun bánh vừa rôm rả những câu chuyện vừa vui vừa buồn ngày cuối năm. Trong tiếng rì rầm nói chuyện của người lớn, tiếng bập bùng của lửa cháy, tiếng sôi lục bục của nồi bánh chưng, lũ trẻ chúng tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Bánh luộc xong cũng là chừng nửa đêm. Cả gia đình tôi lại mỗi người một tay cùng vớt bánh, cọ bánh cho sạch nhớt rồi lèn bánh thật chặt. Lúc này, cả khoảnh sân rộng ngào ngạt mùi ngai ngái của bánh chưng vừa vớtmớicảm nhận được Tết thực sự gần lắm rồi.
Ngày 30 Tết, mẹ tôi dậy từ khi trời còn chưa sáng rõ đi chợ để chuẩn bị làm mâm cỗ cúng tất niên. Tôi nhớ lần nào đi chợ mẹ cũng không quên mang về bó hoa thược dược, lay ơn, violet về cắm lẫn rồi đặt trên bàn tiếp khách.
Cúng Tất niên xong xuôi thì cũng đã quá trưa, lúc ấy mẹ tôi bắt đầu chuẩn bị một nồi nước lá mùi già thật to để cả nhà “tẩy trần” dịp cuối năm. Mùi thơm cay cay, dìu dịu của thứ nước lá thơm ấy lan tỏa trong không gian khiến cho mọi buồn phiền, ưu tư trong năm cũ được gột rửa, chỉ còn đó sự hồ hởi, háo hức đón chờ năm mới.
Khi mọi việc được hoàn tất là lúc giao thừa sắp đến. Chị em chúng tôi cùngmang những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất ra diện để đón chờ thời khắc thiêng liêng nhất của năm.
Thời khắc kim đồng hồ điểm đúng 12 giờ, tất cả các cửa trong nhà đều được mở để đón khí trời ngày đầu năm lành lạnh nhưng thật tinh khiết, nhẹ nhàng. Trong khi bố mẹ thành tâm thắp nén nhang mời tổ tiên về ăn tết thì chị em tôi cũngchuẩn bị một tờ giấy thật phẳng phiu và viết mấy chữ lên đó gọi là khai bút đầu xuân.
Mẹ tôi hay dặn, việc gì cũng vậy, đầu năm suôn sẻ thì cuối năm hanh thông nên tôi nghĩ đầu năm nếu chép một bài thơ hay giải được một bài toán thì cả năm sẽ học hành giỏi giang. Nhiều khi không biết viết gì tôi chỉ chép lại dòng câu đối in trên tờ lịch ngày mùng 1 với mong ước sang năm học giỏi hơn và cả nhà đều được mạnh khỏe, may mắn.
Tết trong ký ức của là vậy, đó có thể chỉ là cảm giác vui sướng khi được cùng bố lựacành đào ngày tết, được lẽo đẽo sau lưng mẹ đi chợ, cảm giác khi mở hết cửa nhà hít hà không khí trong trẻo ngày xuân, rồi cảm giác sáng mùng 1 thức dậy đã ngửi thấy mùi nhang trầm... cảm giác mà chỉ khi lớn tới chừng này tôi mới cảm nhận được hết.
Giờ cuộc sống đổi thay, căn nhà ngói ba gian cũng không còn nữa, mẹ con tôidù vẫn giữ nếp gói bánh nhưng cảm giác háo hức, mong chờ tết cứ phai nhạt dần. Có lẽ khi người ta càng trưởng thành càng lắm mối lo toan, cũng có thể bởi những người thương yêu từng là một phần trong ký ức cứ lần lượt ra đi khiến tết nay khác xưa nhiều lắm. Nhưng hình ảnh cả gia đình đoàn viên, sum vầy bên mâm cỗ sẽmãi là miền ký ức đẹp nhất, là “liều thuốc” xoa dịu tâm hồn trong những lúc tôi cảm thấy chơi vơi, mệt mỏi với cuộc sống thực tại.