Trao đổi với báo chí, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn đại biểu TP Hà Nội) cho rằng: đại biểu Hoàng Hữu Phước hành xử như vậy là không nên, bởi vì một ĐBQH phát ngôn và hành xử trong thời gian đương nhiệm không phải để phục vụ cho cá nhân mình mà phải là người đại diện để truyền tải tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của cử tri, đó là mục tiêu tối thượng.
“Việc ông Hoàng Hữu Phước có những phát ngôn lý giải là nhằm để tranh luận với ĐBQH Dương Trung Quốc, nếu nói là sai thì cũng không thuyết phục, tuy nhiên về hình thức thể hiện không phù hợp, cũng có phần quá đà khi đang là ĐBQH”, ông Bảo nói.
Trước một số ý kiến đề cập đến việc miễn nhiệm tư cách ĐBQH với ông Hoàng Hữu Phước, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Tôi nghĩ việc yêu cầu miễn nhiệm tư cách ĐBQH với ông Phước là quá nặng. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Tôi vẫn chỉ muốn nhấn mạnh rằng với tư cách là ĐBQH thì cần phải cẩn trọng với phát ngôn của mình trước báo chí, trước dư luận.
Người dân rất tin ở ĐBQH, nên một khi đã là đại biểu rồi thì không thể nói trên quan điểm cá nhân, còn khi nào hết thời hạn không còn là ĐBQH và trở về vai trò của một người dân bình thường thì quyền giám sát, phản biện được rộng hơn, nhưng nói gì cũng phải có chừng mực, không nên nói quá lên hoặc nói gay gắt như vậy”.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo không đồng tình với ý kiến miễn nhiệm tư cách ĐBQH của ông Hoàng Hữu Phước. |
Ngoài ra, ông Bảo cũng nhận định rằng, Nhà sử học Dương Trung Quốc là một đại biểu có uy tín. Ông là một nhà nghiên cứu được đánh giá rất cao trong lĩnh vực sử học, và những phát ngôn của ông luôn chừng mực, lại rất thâm thúy. Ông cũng là người có nhiều câu hỏi chất vấn thẳng thắn làm “nóng” nghị trường và làm nức lòng cử tri.
Trả lời câu hỏi: Nếu ở vào vị trí của ĐBQH Dương Trung Quốc, ông sẽ hành xử thế nào? ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cho hay: “Chắc chắn là tôi cũng phải có phản ứng riêng của mình, vì cách mà đại biểu Phước đưa bài lên trang cá nhân, có những lời lẽ quá đà và lại không đúng thì vô tình tạo ra những luồng thông tin rất không hay cho những người đã được cử tri tín nhiệm bầu ra để đại diện cho tiếng nói của họ.
Mỗi người có một cách phản ứng riêng, và tôi nghĩ cách xử sự nhã nhặn của đại biểu Dương Trung Quốc sẽ được dư luận đánh giá cao. Theo tôi, đây là một sự việc cần được rút kinh nghiệm sâu sắc, bản thân đại biểu Phước đã công khai nhận lỗi cũng là một hành động đúng đắn”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng bày tỏ quan điểm, đã là ĐBQH thì 500 người có quyền và nghĩa vụ ngang nhau tại quốc hội, chứ không phải người giữ vị trí này thì có quyền và tiếng nói hơn hẳn những người khác hoặc ngược lại. “Trước mỗi một vấn đề thì bản thân ĐBQH cũng như các cử tri sẽ có những các nhìn nhận khác nhau, có những cách đánh giá khác nhau.
Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là khi đã trở thành ĐBQH thì người ấy không phải là đại diện cho một nhóm người hay cá nhân nào đó mà phải tôn trọng cái chung. ĐBQH có vai trò ngang nhau và chịu sự giám sát của cử tri, chứ ĐBQH không được đưa quan điểm riêng của mình vào việc chung, điều ấy cũng có nghĩa là các ĐBQH không có quyền phê phán những ý kiến của nhau tại Quốc hội, vì những ý kiến ấy đại biểu chỉ là người đại diện truyền tải thay cho cử tri”, ông Bảo nhấn mạnh.
Bài viết trên Blog của ĐBQH Hoàng Hữu Phước khiến dư luận "nổi sóng" nhiều ngày qua. |
Trước đó, xung quanh bài viết "Tứ đại ngu của ông Dương Trung Quốc" của ĐBQH Hoàng Hữu Phước, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trả lời Báo Tuổi trẻ cho rằng, việc dùng blog cá nhân để đánh giá, nhận xét đại biểu khác bằng những lời lẽ thóa mạ, thiếu tôn trọng như dùng từ “ngu”, “ngậm miệng lại”... thì không thể chấp nhận được.
“Là người theo dõi lĩnh vực văn hóa, tôi cho rằng sẽ có nhiều người không đồng tình với cách làm của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Cách làm này không thể chấp nhận đối với một người bình thường chứ chưa nói anh Phước là một đại biểu Quốc hội. Tôi có đọc trên các diễn đàn mạng thì có những ý kiến đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Hữu Phước. Tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội nên có ý kiến về vấn đề này”, ông Tiến nói.
Còn Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân, đoàn Luật sư TP Hà Nội đã trả lời Báo chí: “Tôi cho rằng Quốc hội phải xem xét để xử lý một cách nghiêm khắc chứ không thể cho qua, vì việc này diễn ra đã tạo nên làn sóng dư luận rất mạnh mẽ, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Uy tín, danh dự, nhân phẩm của ĐBQH Dương Trung Quốc sau khi bài viết này được lan truyền không chỉ dừng lại ở đó. Điều mà chúng ta quan tâm là sự đánh giá của người dân đến bộ máy QH, tập thể ĐBQH và từng ĐBQH. Việc làm đó theo tôi là không thể chấp nhận được”.
Theo Giaoduc.net.vn