Ngày 25/9, chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Tp.Đà Nẵng đỗ mưa lớn. Lượng mưa từ 4h-7h phổ biến từ 30-60mm, riêng Chi Cục Thủy Lợi 88.4mm, Hồ Học Khê 81.8mm, Hòa Khê 80.8mm, trạm Đà Nẵng 77.0mm, Hồ Trược Đông 72.6mm. Dự báo trong ngày, Tp.Đà Nẵng tiếp tục duy trì mưa to đến rất to, lượng mưa 3 giờ tới phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm.
Cảnh báo tác động do mưa cường độ lớn tập trung trong thời đoạn ngắn có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp và các khu đô thị trên địa bàn thành phố, gây cản trở giao thông và thiệt hại tài sản; nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Theo ghi nhận trực tiếp của Người Đưa Tin, mưa lớn đã gây ra ngập úng cục bộ tại nội đô Tp.Đà Nẵng, giao thông nhiều thời điểm ùn tắc. Đặc biệt có thể kể đến một số tuyến đường ngập sâu như Trần Cao Vân, Núi Thành, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hoàng, Hàm Nghi,...
Cũng do mưa lớn từ đêm đến sáng nay nên nhiều người dân đi làm đã gặp phải nhiều khó khăn. Ở các điểm dễ ngập úng như chợ Thanh Vinh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, tiểu thương vất vả di chuyển hàng hóa lên cao tránh thiệt hại do mưa lũ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tp.Đà Nẵng cho hay, đơn vị đã kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động vòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm. Bộ cũng thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Tổng số phương tiện tàu thuyền có đăng ký, đăng kiểm của địa phương này 1.240 phương tiện/8.374 lao động; có 1 tàu ĐNa 90709 nằm trong đường di chuyển của áp thấp đang di chuyển về Quảng Ngãi để đảm bảo an toàn.
Tại tỉnh Quảng Nam, Đài khí tượng thủy văn địa phương này cũng cảnh báo khẩn cấp về áp thấp nhiệt đới. Hiện mưa lớn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh này, trong đó, tập trung ở khu vực đồng bằng ven biển, thủy triều đang ở mức cao.
Để chủ động ứng phó, tỉnh Quảng Nam đề nghị các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.
Các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; rà soát, kiểm tra công tác triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Đồng thời, hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.