Miền Trung chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài diện rộng

Miền Trung chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài diện rộng

Chủ nhật, 30/10/2016 17:32

Từ chiều 29/10, mưa lớn bắt đầu xuất hiện rải rác tại các tỉnh Trung Bộ. Những cơn mưa này đã mở đầu cho đợt mưa kéo dài trên diện rộng đến hết ngày 4/11.

Sáng 30/10, tại các tỉnh Bắc Bộ, thời tiết chuyển lạnh, khô ráo với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19 - 22 độ C, vùng núi có nơi từ 16 - 19 độ C. Trong khi đó, ở Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp yếu tố địa hình và gió đông ẩm nên có mưa diện rộng.

Dự báo, ngày và đêm nay (30/10), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3 - 4.

Cảnh báo, ngày 30/10 - 1/11, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa cũng xuất hiện mưa vừa và mưa lớn từ ngày 1 - 4/11.

Do mưa lớn, từ đêm 30/10, trên các sông ở Nghệ An tới Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-5m, ở hạ lưu từ 1-3m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh trên.

Xã hội - Miền Trung chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài diện rộng

 Mưa lớn, mực nước ở các con sông đang dâng cao.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mực nước tại sông, suối, hồ lên nhanh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) các tỉnh miền Trung đã có công điện khẩn nhằm cảnh báo, lên phương án chủ động đối phó với tình hình mưa lớn trên địa bàn.

Theo đó, BCH PCTT&TKCN các tỉnh miền Trung yêu cầu các cấp địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thông báo kịp thời để người dân được biết; nhất là đối với các vùng ven sông, ven suối, vùng hạ lưu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vùng trũng để có phương án chủ động phòng tránh. Đồng thời, các địa phương cần có phương án đề phòng mưa lớn xẩy ra lũ quét trên các sông suối, ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất ở vùng núi; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xẩy ra lũ quét, sạt lở đất…

Đặc biệt, hiện nay, các hồ, đập trên địa bàn các tỉnh cơ bản đã tích nước đầy, trong khi vùng hạ du đã no nước, nên yêu cầu BCH PCTT&TKCN các công trình thủy điện, thủy lợi trọng điểm trên địa bàn cần theo dõi diễn biến thời tiết chặt chẽ, chủ động điều tiết nước một cách hợp lý, đúng quy trình được duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình và dân sinh.

Trước đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế xuất hiện mưa to đến rất to, kéo dài từ ngày 12 - 16/10. Mưa lớn đã gây ngập lụt sâu tại nhiều địa phương, trong đó, nặng nề nhất là 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Xã hội - Miền Trung chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài diện rộng (Hình 2).

 Mưa lớn gây ngập sâu ở các tỉnh miền Trung.

Người chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, hư hỏng, diện tích lớn hoa màu bị tàn phá... do mưa lũ. Dù các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm đã tích cực chung tay hướng về miền Trung, ủng hộ tiền, quà cứu trợ tương đối lớn, nhưng cho đến nay, cuộc sống của các hộ dân nơi vùng lũ vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả.

N.H

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.