Hội thảo là hoạt động nằm trong dự án Hợp tác quốc tế HCCT – ELIS do Quỹ hỗ trợ phát triển Italia tổ chức, Bộ Ngoại giao Italia tài trợ.
Hiệp hội trung tâm ELIS là một tổ chức phi chính phủ của nước CH Italia có vai trò đặc biệt trong việc tìm kiếm các chương trình dự án để hỗ trợ các nước đang phát triển, nhằm giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội như nạn thất nghiệp, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Hiện ELIS đang xây dựng một dự án về môi trường tại Việt Nam. Qua tư vấn về môi trường của các chuyên gia Việt Nam, dự án nhận thấy vấn đề cần giải quyết cho môi trường của VN hiện nay tập trung chủ yếu ở miền Trung. Vì vậy, cuộc hội thảo tập trung chủ yếu vào những vấn đề môi trường ở miền Trung VN.
Ông Michele Crudele, giám đốc trung tâm ELIS phát biểu về chiến lược bảo vệ môi trường miền Trung
Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học khẳng định rằng khu vực miền Trung VN được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về sinh học, rất nhiều vườn quốc gia, nhiều bãi biển tuyệt đẹp để có thể trở thành nền kinh tế tri thức xanh. Nhưng miền Trung chưa phát huy những giá trị do thiên nhiên ban phát, chưa công nghiệp hóa được bao nhiêu đã phải đối mặt với những hiểm họa như sự ô nhiễm và hủy hoại môi trường, xói mòn đất và cạn kiệt nước ngọt. Tất cả là do thói quen sản xuất, sinh hoạt tùy tiện không theo quy hoạch, khai thác khoáng sản bừa bãi. Cộng thêm vị trí địa lý nằm tại một dải đất hẹp, miền Trung đã gánh chịu hầu hết các nạn lụt và những cơn bão lớn.
Ông Michele Crudele, giám đốc trung tâm ELIS, chia sẻ rằng: “Chúng tôi có tham vọng muốn làm nhiều điều hơn nữa cho Việt Nam và đất nước các bạn đang nằm trong chiến lược ưu tiên của chúng tôi. Vì vậy ELIS đã phối hợp với nhiều trường đại học trên thế giới để các chuyên gia về môi trường đưa ra những lời khuyên hữu ích”.
Tại cuộc hội thảo, giáo sư Domenico Laforgia, hiệu trưởng trường ĐH Salento cũng cảnh báo về sự tăng trưởng về dân số, kinh tế và đô thị hóa đã song hành cùng sự cạn kiệt năng lượng, giảm diện tích rừng, gia tăng khí thải và hiệu ứng nhà kính. Ông Lê Công Bé, giám đốc khu bảo tồn Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam đã trình bày báo cáo về khu BTTN Sông Thanh và đề xuất nhu cầu bảo tồn.
Di Li