Miễn truy cứu hình sự người hối lộ, tham nhũng có giảm?

Miễn truy cứu hình sự người hối lộ, tham nhũng có giảm?

Thứ 4, 14/08/2013 16:55

Theo ý kiến của các chuyên gia, mục đích chính của công cuộc phòng chống tham nhũng là để thanh lọc những cán bộ công chức Nhà nước thoái hoá, biến chất, làm mất hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân.

Tuy nhiên, thời gian qua - tham nhũng càng chống càng có diễn biến phức tạp, thậm chí người dũng cảm đứng ra tố cáo các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng còn bị trả thù, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ. Và việc miễn truy cứu trách nhiệm người đưa hối lộ liệu có là giải pháp tình thế hợp lý?

"Chết thì cùng chết"!?

Tham nhũng đang là một vấn nạn, nhiều năm trở lại đây, Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc chống tệ nạn này, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa được như ý, khiến người dân bức xúc. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, nhiều biện pháp đã đưa ra nhưng hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được giải quyết.

Luật sư - Miễn truy cứu hình sự người hối lộ, tham nhũng có giảm?

Bà Nguyễn Thị Khá, ĐB Quốc Hội khóa XII cho rằng đối với người tố cáo tham nhũng cần khuyến khích họ và có sự bảo vệ của pháp luật.

Vừa qua, tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố kết quả khảo sát phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu lần thứ 8 đối với hơn 114.000 người tại 107 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy, 55% người dân Việt Nam được hỏi đã "cảm nhận" tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, cao hơn mức trung bình là 48% ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng điều đặc biệt, chỉ có 38% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng tố cáo tham nhũng, tỷ lệ này thấp hơn mức bình quân ở 6 nước trong khu vực Đông Nam Á là 63%. Riêng Malaysia tỷ lệ muốn tố cáo tham nhũng lên đến 79%.

Theo nhiều người, đây là số liệu đáng quan tâm, nó phản ánh một phần của công cuộc chống tham nhũng của nước ta hiện nay. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả phòng chống tham nhũng chưa đạt được như ý muốn, có phần bắt nguồn từ tâm lý e ngại của người dân. Một chuyên gia cho rằng, chúng ta cần thiết có cơ chế mở hơn để khuyến khích tố cáo tham nhũng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay trên thế giới có nhiều nước áp dụng biện pháp không xử lý người đưa hối lộ, như Hàn Quốc, Singapore. Hiệu quả mang lại rất lớn, tại các nước này có tới 90% vụ án tham nhũng là thông qua cáo giác của người dân. Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ nghiêm, cơ quan chức năng xem họ là thông tin bí mật quốc gia. Ngoài ra, người tố cáo tham nhũng còn được thưởng tới 20% giá trị tài sản thu hồi từ vụ tham nhũng.

Đa số ý kiến của người dân mà PV Nguoiduatin.vn phỏng vấn, họ cho rằng, trong nhiều vụ việc cả người hối lộ và nhận hối lộ đều có chung một mục đích là làm trái để được lợi. Thông thường, là người dân, không một ai muốn đưa hối lộ bởi vì kiếm được đồng tiền rất khó khăn. Nhưng từng trường hợp cụ thể, nếu không đưa hối lộ thì hậu quả nhận được thê thảm, nên họ buộc phải thực hiện hành vi phạm tội của mình. Sau khi thực hiện hành vi đưa hối lộ, bản thân người đưa hối lộ thường có tâm lý che giấu hành vi của mình vì sợ bị truy cứu trước pháp luật. Chính tâm lý e ngại đó, khiến nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng một trong những căn nguyên dẫn tới việc phát hiện tham nhũng còn ít so với thực tế đang diễn ra.

Trước tình trạng tham nhũng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng,  không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ. Biện pháp này không mới, nhiều nước đã áp dụng. Theo phân tích của luật sư Đoàn Minh Đức (đoàn Luật sư Hà Nội), khi truy cứu hành vi đưa hối lộ, theo phản ứng tự nhiên, người đưa hối lộ sẽ cố tình che giấu hành vi của mình. Người nhận hối lộ hiểu tâm lý người đưa hối lộ, vì thế mà yên tâm nhận hối lộ. Đơn giản "chết thì cùng chết", nên họ yên tâm người đưa hối lộ sẽ không tố cáo mình. Nếu pháp luật quy định không truy cứu người đưa hối lộ, bản thân người nhận hối lộ sẽ nảy sinh tâm lý lo sợ, sẽ tố cáo. Họ sẽ đơn phương đối mặt với sự trừng trị của pháp luật.

Luật sư - Miễn truy cứu hình sự người hối lộ, tham nhũng có giảm? (Hình 2).

Ảnh biếm họa tham nhũng (Nguồn Internet).

 Nên xem xét trong những tình huống cụ thể

Chống tham nhũng, phải phát hiện được các vụ việc tham nhũng. Thông thường, hành vi tham nhũng diễn ra rất tinh vi và xảo quyệt, chính vì vậy rất khó để phát hiện. Cả hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ đều đáng để lên án. Nhưng trước hiện trạng số vụ việc tham nhũng khó phát hiện vì bản thân người trong cuộc luôn tìm cách che giấu vì sợ bị pháp luật truy cứu, nên nhiều chuyên gia đều có chung ý kiến cần nhiều biện pháp khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo người hối lộ.

Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Khá  - ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đối với người tố cáo tham nhũng, cần khuyến khích họ và sự bảo vệ của pháp luật. Trong trường hợp người tố cáo tham nhũng là người đưa hối lộ thì luật đã có những quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, tại khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên chỉ áp dụng với trường hợp người bị ép buộc đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội... Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự... Việc luật quy định như trên là để động viên, khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo người nhận hối lộ. Tuy nhiên, để khuyến khích hơn nữa việc tố giác đối tượng tham nhũng, luật nên quy định nhiều biện pháp khuyến khích.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Cuông, nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 12 cho rằng: Đưa hối lộ là một việc làm tiêu cực và xã hội lên án. Chính người đưa hối lộ đã tạo thêm cơ hội cho người nhận hối lộ có điều kiện gây khó khăn cho những người khác. Nó tương tự như tình trạng đưa phong bì ở bệnh viện. Những gia đình có điều kiện muốn được bác sĩ chăm sóc chu đáo thì họ đưa phong bì trước để được quan tâm hơn. Khi đó, vì sức khoẻ của người thân, các gia đình còn lại dù không có tiền cũng buộc phải bồi dưỡng cho bác sĩ để người thân mình được đối xử công bằng.

Ông Cuông cũng phân tích rõ hơn về các đối tượng đưa hối lộ. Ông cho biết: Hành vi đưa hối lộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên cần xem xét các khía cạnh của vấn đề này. Các cấp xử lý cần tạo sự công bằng để những người có điều kiện cũng như người không có điều kiện được đối xử công bằng.

Hiện nay, có những người giàu về kinh tế, muốn được lợi ích cao hơn, họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền, thực hiện động thái hối lộ (tạm gọi đây là nhóm 1). Đây là suy nghĩ và việc làm không trong sáng, không lành mạnh. Trước hoàn cảnh đó, những người có điều kiện nhưng họ ý thức được đưa hối lộ là việc làm sai trái hoặc những người nghèo sẽ bị thiệt thòi. Vì để không bị thiệt thòi, những người còn lại buộc phải thực hiện hành vi hối lộ.

Như vậy, những người thuộc nhóm 1 đã  gây thói hư tật xấu cho người khác, "khuyến khích" người khác thực hiện hành vi đưa hối lộ. Chúng ta không xử lý những người như thế thì cũng chưa hợp lý. Ngoài ra, ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng đối với những người yếu thế trong xã hội, bị rơi vào tình thế quẫn bách, buộc phải chạy chọt, lót tay để mong không bị sách nhiễu thì cũng không nên xử lý khi họ đi tố cáo.                              

Phải tuỳ nghi ứng biến

Theo ông Lê Văn Cuông, nếu xử lý người đưa hối lộ thì sẽ không còn ai dám tố cáo hành vi nhận hối lộ, những cán bộ nhận hối lộ lại không bị liên lụy, không bị trừng phạt gì. Việc chống tiêu cực, chống tham nhũng sẽ rất khó. "Nói chung, đưa hối lộ là sai. Nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đưa hối lộ. Những người kém cỏi, có chủ mưu, muốn dùng tiền vượt lên để hơn người khác thì buộc phải xử lý. Còn những người có năng lực, bị dồn vào thế bí, buộc phải dùng đến tiền để công  bằng thì có thể khoan nhượng. Nếu người đưa hối lộ không có chủ đích từ trước nhưng vì vấn đề này, vấn đề khác dẫn đến người ta buộc phải thực hiện hành vi đó thì có thể xem đó là một tình tiết giảm nhẹ khi họ đi tố cáo. Tuỳâ theo từng trường hợp mà ta phân tích xem đâu là tình tiết giảm nhẹ, đâu là hành vi cần xử lý hay không xử lý. Cùng việc hối lộ nhưng phải tuỳ từng đối tượng, từng hoàn cảnh xem ai là chủ mưu, ai là người phụ thuộc", ông Cuông nhấn mạnh.

Trinh Phúc - Phạm Hạnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.