Đề xuất lấy lại 75% vốn Cảng Quy Nhơn
Cảng Quy Nhơn là cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung. Trước khi cổ phần hóa, cảng này do công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn quản lý, có vốn điều lệ 192,579 tỷ đồng, trong đó tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sở hữu 100%.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 (tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013), trong đó quy định cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn sẽ theo hướng Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Với những yếu tố thuận lợi vốn có, kết quả hoạt động kinh doanh của Cảng Quy Nhơn trở thành sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các nhà đầu tư. Chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều theo từng năm.
Mới đây nhất, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của CTCP Cảng Quy Nhơn đạt hơn 344 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 14% so với cùng kỳ năm 2017.
Trước đó, giai đoạn 2014 - 2017, bất chấp sự biến động về các chỉ tiêu kinh tế chung, Cảng Quy Nhơn liên tục báo lãi lớn.
>>> Xem video: Toàn cảnh Cảng Quy Nhơn (nguồn: Zing.vn)
Miếng bánh ngon dễ nuốt?
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại CTCP Cảng Quy Nhơn (tên sau cổ phần hóa), UBND tỉnh Bình Định, bộ GTVT và tổng công ty Vinalines đã có hàng loạt sai phạm, khuyết điểm từ khâu tham mưu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho đến khâu định giá, tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn.
Cụ thể, trái với đề án cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn đã được Thủ tướng phê duyệt (Nhà nước nắm giữ 75% vốn), UBND tỉnh Bình Định vẫn đề nghị bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, sau đó tiếp tục đề nghị bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn Nhà nước tại công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Sau đó bộ GTVT tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép như trên. Và khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, bộ GTVT đã tiếp tục chỉ đạo Vinalines bán chuyển nhượng 49% cổ phần tại công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn cho công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Nhờ sự "nhiệt tình" của Vinalines cũng như bộ GTVT, công ty Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành – một đơn vị có lĩnh vực hoạt động về khai khoáng, luyện thép, bất động sản, xây lắp..., vốn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển lại được lựa chọn là “nhà đầu tư chiến lược” của Cảng Quy Nhơn sau khi cổ phần hóa.
Thông qua nhiều đợt mua chuyển nhượng bằng thỏa thuận trực tiếp, Khoáng sản Hợp Thành đã thâu tóm tới 86,23% cổ phần Cảng Quy Nhơn với giá chỉ 440 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại CTCP Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước vì Bộ đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời chỉ đạo Vinalines xem xét, xử lý việc bán 10% cổ phần khi cổ phần hóa cho công ty Hợp Thành.
Việc thu hồi 75% vốn CTCP Cảng Quy Nhơn về Nhà nước nhằm đảm bảo tỷ lệ chi phối theo Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo an ninh quốc phòng, lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Thủ tướng giao bộ Tài chính công khai những trường hợp vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Về Vinalines, Cảng Quy Nhơn có "an"?
Về đề xuất thu hồi hơn 75% vốn Cảng Quy Nhơn về Nhà nước, trao đổi với báo chí, hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, Cảng Quy Nhơn muốn phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì không thể trở về mô hình quản trị cũ với đối tác chiến lược là Vinalines, mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược tư nhân có năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mạnh.
Theo VAFI, công ty Hợp Thành không phải đối tác có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh quản lý cảng biển nhưng ở giai đoạn Hợp Thành (2014 - 2017), doanh thu và lợi nhuận tăng lên chủ yếu do tình trạng tiêu cực giảm.
“Nói như vậy không phải là VAFI chấp nhận những đối tác chiến lược như kiểu Hợp Thành mà VAFI nhấn mạnh rằng không thể phát triển Cảng Quy Nhơn theo mô hình cũ với vai trò chi phối của Vinalines”, đại diện hiệp hội này nhấn mạnh.
VAFI lý giải Vinalines mặc dù có tiến bộ so với trước kia, nhưng thực trạng hiện vẫn là một tập đoàn yếu kém về nhiều mặt, bộ máy quản lý cồng kềnh cộng với cơ chế quản trị yếu kém. Vinalines vừa hoàn tất sơ bộ cổ phần hóa nhưng hầu như không thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Mặt khác, các đơn vị cảng hiện do Vinalines quản lý đều có năng suất lao động thấp, hiệu quả sinh lời của đồng vốn thấp. Chẳng hạn như khu vực các cảng tại Hải Phòng, CTCP Cảng Hải Phòng (trực thuộc Vinalines) là đơn vị nắm giữ và sở hữu nhiều cầu cảng nhất, ở các vị trí khai thác thuận lợi nhất nhưng doanh thu, lợi nhuận, sản lượng hàng thông qua cảng đều thua xa các đơn vị tư nhân ít cầu cảng như Gemadept, Viconship... Điều này cho thấy rằng không phải cứ Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là đảm bảo an ninh quốc phòng, là đảm bảo công cuộc phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế.
Theo đó, Hiệp hội này đề xuất phải thúc Cảng Quy Nhơn nhanh chóng niêm yết để thực hiện minh bạch tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tiếp theo là tổ chức bán đấu giá công khai 75% cổ phần Nhà nước cho các nhà đầu tư chiến lược. Cần phải đưa ra chi tiết tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tốt nhất cộng với cam kết đầu tư lâu dài.