Gấu "hấp lò vi sóng" giữ nhiệt được 12 tiếng?
Ghi nhận của PV Người Đưa Tin tại một số cửa hàng bán đồ điện tử như phố Huế, Bà Triệu, Cầu Giấy (Hà Nội) cho thấy, giá quạt sưởi và một số thiết bị điện chống rét năm nay tăng từ 15% - 20%. Ngoài những sản phẩm chống rét như đệm điện, chăn điện…, mặt hàng miếng dán toả nhiệt và gấu bông sưởi ấm cũng rất được các bà mẹ trẻ ưa chuộng. Họ mua về với mục đích cho con trẻ và người già sử dụng. Hầu hết những sản phẩm miếng dán toả nhiệt trên thị trường được quảng cáo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Hiện nay, trên phố Liễu Giai (Hà Nội) mới xuất hiện loại miếng dán sản xuất ở Việt Nam với công dụng và mức giá tương đương hàng ngoại.
Theo quảng cáo, miếng dán có chiết xuất từ thiên nhiên, chứa các hoạt chất như bột sắt, nước, khoáng chất, than hoạt tính, clorua kali, với hai loại: Dán và không dán. Loại dán để dính lên quần áo, còn loại không dán để đặt trong túi xách hoặc túi quần. Giá của các miếng dán trung bình từ 10.000- 15.000 đồng /miếng cỡ nhỏ và 20.000- 30.000 đồng /miếng cỡ to. Nó có tác dụng toả nhiệt từ 3 đến 5 tiếng đồng hồ, đặc biệt tiện lợi khi mang trẻ em đi xa.
Bác Tuấn chủ cửa hàng chuyên bán thiết bị sưởi ấm trên phố Bà Triệu, tiếp thị: "So với các thiết bị giữ nhiệt khác, ưu điểm của miếng sưởi ấm mùa đông là tiện dụng, có khả năng làm ấm nhanh lại không khói nên được nhiều gia đình ưa dùng. Đặc biệt, khách hàng mua về để sử dụng cho người già và trẻ nhỏ. Giá thành loại sưởi ấm này lại khá rẻ". Tuy nhiên, khi mua thử một hộp miếng dán giữ nhiệt, PV Người Đưa Tin thấy trên bao bì miếng dán giữ nhiệt bằng tiếng Nhật, không có dòng ghi chú nào đề cập tới thành phần các chất có trong miếng dán.
Khi hỏi về cách dùng của miếng dán, người bán giải thích, miếng dán sưởi ấm được sản xuất dựa trên nguyên lý phản ứng ôxy hóa kim loại từ đó sinh ra nhiệt làm ấm. Các chất chính có trong miếng dán là bột sắt, nước, clorua kali, than hoạt tính, muối. Phản ứng ôxy hóa bột sắt sẽ cho nhiệt độ nóng khác nhau, tùy vào mức độ các chất trong đó.
Trên các trang mạng, miếng dán sưởi ấm được quảng cáo nhan nhản về sự tiện lợi của chúng như: Có công dụng sưởi ấm và giữ nhiệt cho cơ thể; giúp giảm đau ở những vùng cơ thể bị đau nhức do hoạt động thường ngày, chơi thể thao, hay đau do thay đổi thời tiết.
Gấu bông sưởi Buddy Bear có thể bỏ vào lò vi sóng để giữ ấm cơ thể cho trẻ
Tại một cửa hàng bày bán miếng dán sưởi trên đường Bạch Mai (Hà Nội), người bán hàng cho biết, năm nay khá đông người tìm mua các miếng dán sưởi của Nhật Bản. Miếng dán có thể phát nhiệt từ 50 - 66 độ C, ổn định ở mức 53 độ C, thời gian giữ nhiệt tới 12 tiếng. Sản phẩm có hai loại: Loại dán được dùng để dán lên quần áo và tất chân, còn loại không dán được thì để trong túi áo, túi quần... Nếu chỗ dán đã đủ ấm, thấy nóng có thể bóc miếng dán ra chuyển sang dán ở vị trí khác. Ngoài ra, còn có miếng dán gan bàn chân sử dụng cho người hay bị lạnh chân.
Độc đáo hơn, mặt hàng miếng dán thông thường, trên nhiều website còn xuất hiện cả những topic chào bán loại gấu bông Buddy Bear sưởi, giữ ấm cho trẻ nhỏ có giá 350.000 đồng/con. Nhìn bề ngoài, loại gấu bông này không khác nhiều so với gấu bông thông thường nhưng lại có thể cho vào lò vi sóng với tác dụng sưởi ấm từ 1 đến 2 tiếng. Đây là sản phẩm được quảng cáo là hàng nhập khẩu và được kiểm nghiệm chặt chẽ về độ an toàn, đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu?!
Thử gọi đến các số điện thoại giao bán mặt hàng này, PV đều thấy người bán quảng cáo đây là hàng "xịn" 100%, được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam. Về thành phần, gấu sưởi Buddy Bear chứa những hạt lúa mỳ, hạt ngũ cốc xuất xứ Anh và hạt hoa oải hương xuất xứ của Pháp đã được xử lý, giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn bởi hương thơm nhẹ nhàng (đặc biệt là trẻ em).
Lợi bất cập hại
Nghe nhiều bà mẹ trẻ ca ngợi công dụng của miếng dán giữ nhiệt, chị Hoài Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) liền lên mạng tìm hiểu rồi mua về cho con dùng thử. Dán trực tiếp lên da, sau khi sử dụng vài lần, chị Lan thấy miếng dán giữ nhiệt quả nhiên tốt như lời đồn thổi và cháu nhỏ rất thích dán miếng giữ ấm lên người nên chị cho con dùng "thỏa sức". Bỗng một hôm, chị Lan phát hiện da phần lưng của con có một vùng thâm đen lớn. Nghĩ rằng, trẻ nhỏ đùa nghịch, va đập hoặc ngã bị tím lưng nên chị bỏ qua. Tuy nhiên, theo dõi một thời gian khá lâu, không thấy vết tím tan, chị liền đưa con đi khám, bác sĩ kết luận vùng da đó bị bỏng do cháu sử dụng miếng dán, nhiệt quá nhiều.
Trao đổi về tác dụng của hai loại sản phẩm này, bác sĩ Lê Việt Hoa, khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đưa ra lời khuyến cáo: Miếng dán toả nhiệt khá an toàn cho trẻ, tuy nhiên trong quá trình sử dụng, các bậc phu huynh cần thận trọng. Khi dùng cho trẻ cũng cần lưu ý, bởi trẻ nhỏ rất hiếu động và nghịch ngợm nên có thể làm cho miếng dán dính vào da hay cho vào miệng. Nhiệt độ cao nhất của miếng dán phát nhiệt có thể lên đến 66 độ C, có thể giữ nhiệt ổn định trong khoảng 12 tiếng trở lên. Vì vậy, buổi tối khi trẻ nhỏ ngủ say không nên sử dụng, tránh nhiệt độ cao gây bỏng. Đặc biệt, không nên dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ có bệnh rối loạn hoặc nghẽn tắc mạch máu.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên tránh dán miếng giữ nhiệt cùng một vị trí trong thời gian dài, cần phải thay đổi, bóc và dán miếng giữ nhiệt sang vị trí khác. Đồng thời phải chú ý trạng thái da của trẻ, nếu thấy có biểu hiện bất thường, cần thiết phải dừng sử dụng miếng dán giữ nhiệt ngay.
Đối với các sản phẩm gấu bông sưởi ấm hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu kiểm định cụ thể. Tuy nhiên, mùi oải hương thảo mộc trong loại gấu bông này nếu sử dụng cho trẻ nhỏ trong thời gian dài có thể làm ảnh hưởng đến khứu giác. Hơn nữa, việc cha mẹ sử dụng quá nhiều các thiết bị giữ nhiệt cho trẻ, đôi khi có thể gây ra tác dụng ngược. Bởi khi ngủ, thân nhiệt của trẻ cao, có thể làm đổ mồ hôi trộm khiến trẻ càng dễ bị viêm họng, nhiễm lạnh.
Ngoài ra, nhiều người không hề biết, những con thú bông có bề ngoài đáng yêu, dễ thương và tưởng như vô hại như thế lại chứa những mầm bệnh nguy hiểm, nhất là những bệnh liên quan đến da và hệ hô hấp của trẻ. Khá nhiều trường hợp, trẻ em bị nấm da, bị mẩn ngứa do bọ, rệp hay như các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa do những vi khuẩn kí sinh trên những con thú bông gây nên.
Khi được bày bán ở ngoài quầy hàng và qua tiếp xúc cầm nắm của nhiều khách hàng, vi khuẩn theo đó bám vào lông thú bông và kí sinh trên đó. Người mua chủ quan mua về, sử dụng rất dễ bị lây bệnh từ những lông thú bông nhiễm khuẩn. Chuyên gia y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên tránh cho trẻ ôm, hôn; ngậm, cắn vào lông thú. Bởi trong không khí có rất nhiều vi sinh vật, vi khuẩn xâm hại da bám vào lông thú.
Ngoài ra, chất liệu nhồi thú cũng không rõ ràng. Chị Hoàng Thị Diệp (ngõ 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, có hôm lột gấu bông sưởi đi giặt thấy bên trong toàn mút xốp đã cũ đen và các loại vải vụn đã ố màu bên trong. Sử dụng một thời gian, con thú bị xẹp xuống, rất cứng và không còn độ mềm nữa. Những vi khuẩn ẩn, sống bên trong rất dễ lây bệnh sang trẻ nhỏ.
Các bác sỹ khuyến cáo, mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể nhưng các phụ huynh cũng nên chú ý không nên dán trực tiếp vào da mà dán qua một lớp áo. Đối với trẻ nhỏ, da mỏng dưới 2 tuổi không nên dùng vì có thể bị bỏng. Trẻ lớn hơn - dưới 6 tuổi, khi dùng, có thể dùng miếng lót may sẵn hoặc gói vào chiếc khăn bông tránh tiếp xúc trực tiếp. Nếu không may trẻ bị bỏng vì miếng dán nhiệt thì cần dùng nước mát, sạch, dội nhẹ nhàng, liên lục vào vết thương trong vòng 16- 20 phút giảm độ sâu của bỏng. Sau đó đưa ngay các cháu đến cơ sở y tế gần nhất. |
Ngân Giang