Hôm nay nhiều người lưu truyền nhau hình chụp màn hình dòng trạng thái bằng tiếng Nhật của tài khoản twitter @hisa_ken, tên thật là Ken Hisada, một CEO người Nhật.
Cụ thể anh này đăng tải hình một tài xế Grab ngồi trong quán cà phê Starbucks, với dòng trạng thái cho thấy sự không hài lòng khi những tài xế Grab ngồi trong quán này. Tệ hơn, vị CEO công nghệ còn bồi thêm mấy từ ngữ cho rằng chính các tài xế này đã "phá hỏng" không gian yên tĩnh và sang trọng của quán.
Tuổi trẻ dẫn dòng trạng thái của CEO người Nhật: "Các tài xế GrabFood hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều ở quán Starbucks với bộ dạng trông hơi bẩn. Không gian riêng tư mà Starbucks hướng tới đang dần bị phá hỏng. Phía cửa hàng nên suy nghĩ lại về phản ứng của khách hàng.
Không gian thư giãn mang tính sang trọng được chuỗi này đồng nhất trên toàn thế giới đã bị mất đi (ở Việt Nam)".
Theo ảnh chụp màn hình, dòng trạng thái này được đăng tải ngày 11/6.
Zing dẫn bình luận tài khoản oretachinoMassa : "Tôi không biết bạn có ý phân biệt nghề nghiệp hay không nhưng mọi người đều hiểu như thế đấy. Nếu bạn trả tiền cho món hàng đó và họ cũng vậy, cả hai là khách hàng bình đẳng. Việc bạn làm khiến người khác rất khó chịu".
Đồng tình với ý kiến đó, tài khoản Uerakento thắc mắc: "Một người coi thường các công việc khác lại là CEO của công ty về công nghệ và nền tảng nguồn nhân lực toàn cầu à?".
Dân mạng Việt Nam cũng liên tục bày tỏ sự bức xúc. Bạn Minh Trưởng cho biết: "Khách hàng là thượng đế, phục vụ khách hàng là phục vụ thượng đế. Chẳng lẽ bây giờ các vị khách đến uống cà phê phải xuất trình giấy tờ về nghề nghiệp?”.
Tài khoản Thanh Duyen Thanh khẳng định: "Người ta có ngoại hình 'bẩn' vì họ kiếm tiền chân chính bằng mồ hôi nước mắt của mình. Điều đó đáng trân trọng!”.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Tuổi trẻ dẫn một số bình luận đồng tình với vị CEO người Nhật.
Tài khoản Facebook Chánh Hoàng viết: "Quan điểm riêng là ông này nói đúng... chỗ sang trọng mà mấy bạn lôi thôi cả ngày ở ngoài đường vào đó… nên nhìn lại bản thân hơn là tự ái rồi chửi người ta. Người ta đóng trang cá nhân vì thấy phiền chứ chắc gì sợ mấy bạn?".
"Nên có khu vực riêng cho tài xế shipper. Để ảnh hưởng người khác cũng không đúng. Chạy cả ngày ngoài đường bụi bẩn mồ hôi đầy người, vô chỗ máy lạnh thì nó mùi cỡ nào mọi người cũng biết" - tài khoản Facebook Nguyễn Minh Sơn viết.
Trong khi tài khoản của vị CEO công nghệ bị khóa, phía Starbucks vẫn chưa có phản hồi gì về vụ việc.
Tuy nhiên, nên nhớ một trong những mục tiêu của Starbucks là trở thành The Third Place- nơi quan trọng thứ 3, gần gũi với khách hàng chỉ sau nhà riêng và nơi làm việc…
Đình Văn (tổng hợp)