Sau 43 ngày đụng độ quân sự ở khu vực biên giới Nagorno-Karabakh, Azerbaijan và Armenia đã đồng ý thỏa thuận đình chiến kéo dài. Trong bài viết trên Arab News, cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakis cho rằng có các khía cạnh khác nhau của lệnh ngừng bắn cần được phân tích chi tiết để hiểu rõ hơn cách mà Nga trở lại “sân sau” Nam Caucasus.
Trở lại sân sau
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990, người gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập nhưng không được công nhận. Trong các cuộc đụng độ sau đó, Armenia đã kiểm soát khu vực này, cộng với 7 tỉnh của Azerbaijan. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua bốn nghị quyết thúc giục Armenia rút khỏi các vùng lãnh thổ Azerbaijan, nhưng Armenia không có động thái di chuyển.
Azerbaijan hiểu rằng cần phải có một chiến lược dài hạn và phức tạp hơn để giải phóng các vùng lãnh thổ bị kiểm soát này. Phải mất 26 năm để vạch ra chiến lược, Azerbaijan đã thành lập một đội quân chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, mua vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga, Mỹ, Ấn Độ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cẩn thận tránh khiêu khích Nga một cách không cần thiết.
Azerbaijan duy trì quan hệ khá tốt với Mỹ và mua máy bay không người lái có vũ trang và không vũ trang từ Thổ Nhĩ Kỳ. Để nâng cao tinh thần quân đội, nước này cũng tiến hành các cuộc tập trận chung với Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Armenia cho Azerbaijan cái cớ để trả đũa sau cuộc tấn công vô cớ, Azerbaijan đã tiến hành một chiến dịch quân sự, đánh bại quân đội Armenia được trang bị kém hơn và buộc nước này phải ký một thỏa thuận quy định việc Armenia rút khỏi tất cả các lãnh thổ đang kiểm soát ở Azerbaijan.
Quay lại về việc Nga trở lại “sân sau” cũ, chuyên gia Yakis nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là không hài lòng với các chính sách thân phương Tây của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Bởi vậy, khi Armenia yêu cầu Moscow ngăn chặn các hoạt động quân sự của Azerbaijan theo cam kết của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - tổ chức tương đương với NATO của Moscow - nhà lãnh đạo Nga viện cớ không can thiệp với lý do cuộc tấn công của Azerbaijan không nhắm vào lãnh thổ Armenia.
Sau khi quân Azerbaijan giải phóng khoảng 1/3 vùng đất bị Armenia kiểm soát và gây ra mối đe dọa cận kề cho Stepanakert (Khankendi) - thủ phủ của Nagorno-Karabakh - Nga đã chuyển sang kế hoạch được chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Kế hoạch này tạo điều kiện cho việc Armenia rút khỏi các lãnh thổ đang kiểm soát ở Azerbaijan, cho phép Armenia sử dụng hành lang liên kết từ Nagorno-Karabakh tới nước này và mở ra một hành lang tương tự để liên kết vùng Nakhichevan với Azerbaijan.
Kế hoạch cũng bao gồm việc triển khai các lực lượng Nga ở Azerbaijan để giám sát quá trình thực hiện. Vì vậy, vài năm sau khi rời đi, Nga đã quay trở lại Azerbaijan, trở thành trọng tài của thỏa thuận.
"Thanh gươm" của Nga
Chuyên gia Yakis đánh giá, kế hoạch tỉ mỉ này đã giải quyết đồng thời một số vấn đề: Nó tránh được việc chiếm giữ thủ phủ Stepanakert, cứu quân đội Armenia khỏi một thất bại lớn và cho phép Azerbaijan khôi phục lại các lãnh thổ bị chiếm đóng. Bước đi như vậy cũng củng cố hơn nữa hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, khi các quan sát viên quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được triển khai tại các văn phòng giám sát nhưng không có mặt tại thực địa.
Kế hoạch của Nga cũng vượt mặt Mỹ và Pháp - hai đồng chủ tịch khác của Nhóm Minsk, được thành lập nhằm tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề Karabakh. Sau khi Nga giải quyết vấn đề Karabakh, nước này đã mời đại diện của Washington và Paris đến Moscow để trình bày cách giải quyết vấn đề mà ba nước không thể giải quyết trong suốt 26 năm.
Sự hiện diện quân sự của Nga tại Azerbaijan ban đầu được lên kế hoạch trong 5 năm, nhưng có thể được gia hạn nếu các bên đồng ý. Điều này có nghĩa là Nga có thể có sự hiện diện vô thời hạn ở Azerbaijan.
Con số chính xác của vụ đụng độ vẫn chưa được chính thức tiết lộ, nhưng hơn 5.000 dân thường và quân đội được cho là đã thiệt mạng. Cơ sở hạ tầng dân sự đã bị phá hủy.
Nếu lệnh ngừng bắn được duy trì và Armenia thực hiện các cam kết của mình, Azerbaijan sẽ là người chiến thắng lớn nhất, vì họ đã khôi phục được các vùng lãnh thổ như ý muốn. Người chiến thắng lớn thứ hai là Nga, nước đã trở lại “sân sau” cũ.
Tương lai của Karabakh vẫn chưa chắc chắn. Không rõ liệu nơi đây có còn là một khu vực tự trị trong Azerbaijan hay không. Nhưng theo chuyên gia Yakis, Nga có thể giữ nó như một “thanh gươm của Damocles” treo trên đầu cả Armenia và Azerbaijan.