Minh bạch khoa cử và niềm tin của xã hội

Minh bạch khoa cử và niềm tin của xã hội

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 4, 25/07/2018 06:00

Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội. Nếu như y tế chăm sóc sức khỏe thể chất thì giáo dục nuôi dưỡng, phản ánh sức khỏe trí lực của một quốc gia, dân tộc.

Thật vậy, muốn đánh giá một xã hội có ưu việt hay không, chỉ cần nhìn vào hai tiêu chí y tế và giáo dục mà công dân xã hội đó đang được hưởng thụ.

Nhân vụ việc lùm xùm về sai phạm điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại Hà Giang, Sơn La… xin có mấy lời tâm huyết gửi Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ như sau:

Kính thưa Bộ trưởng Nhạ!

Trước hết, tôi xin gửi lời cảm thông và chia sẻ đến Bộ trưởng sau sự cố giáo dục mà Bộ trưởng và các đồng nghiệp vẫn đang ngày đêm khắc phục. Tôi hiểu, là “thuyền trưởng” ngành giáo dục của một quốc gia, Bộ trưởng hẳn đã rất đau lòng khi lĩnh vực mình phụ trách xảy ra chuyện không mong muốn.

Cafe8 - Minh bạch khoa cử và niềm tin của xã hội

Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận vụ sai phạm điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là do yếu tố con người. 

Là Bộ trưởng Giáo dục, cũng có thể gọi là “thầy của những người thầy”, hẳn Bộ trưởng không vui khi học trò của mình ở các địa phương đã bỏ qua “tôn sư trọng đạo” mà mặc sức “múa tay trong bị”, ngang nhiên “phù phép”, đổi trắng thay đen,  “đổi 9 thay 2” (xóa điểm 2 thay bằng điểm 9).

Nhưng dẫu sao, việc không hay cũng đã xảy ra rồi. Là một công dân, người đã và đang được hưởng thụ nền giáo dục của Quốc gia, tôi thật sự xúc động khi chứng kiến hình ảnh ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng cục Quản lý Chất lượng (bộ GD&ĐT) vừa khóc vừa nói trong cuộc họp báo công bố kết quả rà soát chấm thi tại Sơn La. Sau 7 đêm hầu như không ngủ, ông Trinh nói ông rất buồn vì sự cố giáo dục lần này.

Tôi cũng hoàn toàn ủng hộ Bộ trưởng về quyết định rà soát kết quả chấm thi tại 63 tỉnh thành còn lại, sau sự cố Hà Giang. Một quyết định sáng suốt và đúng lúc.

Nhưng, thưa Bộ trưởng!

Tôi thấy vẫn còn mấy điều cần góp ý như sau:

Thứ nhất, Bộ trưởng khẳng định việc rà soát kết quả thi THPT Quốc gia hằng năm “là hoạt động thường niên”. Vậy tôi xin hỏi: Tại sao việc rà soát vẫn được thực hiện “thường niên”, tốn bao tiền của ngân sách nhưng không phát hiện ra sai phạm? Mà phải đợi đến khi người dân, mạng xã hội phát hiện, báo chí vào cuộc thì lập tức những sai phạm mới dần dần được lộ sáng theo kiểu hiệu ứng đô-mi-nô như vậy?

Trong khi đó, trước khi vụ việc bị phanh phui, chiều 2/7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Bộ trưởng đã báo cáo về kỳ thi THPT Quốc gia năm nay là “đạt được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng”.

Cafe8 - Minh bạch khoa cử và niềm tin của xã hội (Hình 2).

Khi chưa có kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ trưởng Nhạ đã đánh giá là an toàn, nghiêm túc, khách quan, nhẹ nhàng.

Cá nhân tôi nghĩ, Bộ trưởng nợ các em học sinh, các bậc phụ huynh và toàn thể những ai quan tâm đến giáo dục một lời xin lỗi, dù sai phạm đến từ nguyên nhân gì. Bởi vì, ngay sau khi kỳ thi vừa kết thúc, kết quả chưa được công bố, việc rà soát “thường niên” cũng chưa thực hiện thì làm sao đã có thể trả lời thiếu trách nhiệm như vậy được?

Thứ hai, xin hỏi Bộ trưởng đang dạy và “khảo thí” thế hệ học sinh hôm nay những gì? Để đến nỗi thi xong THPT, nhiều em đóng cửa trong phòng khóc mấy ngày liền. Để đến nỗi thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) trả lời phỏng vấn, nói rằng ông đã khóc thương thí sinh khi chính mình cũng không thể giải 50 câu của đề Toán trong 90 phút.

Để đến nỗi GS.Nguyễn Tiến Dũng (đại học Toulouse, Pháp) - người từng giành huy chương Vàng Toán quốc tế khi mới 15 tuổi, cho hay ông giải 5 câu khó của đề Toán mất... hơn 2 tiếng.

Vậy mà Bộ trưởng nói kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra “nhẹ nhàng”?! Nói thẳng, tôi thấy chả nhẹ nhàng gì. Hay nói như nhiều chuyên gia giáo dục thì kỳ thi năm nay không đánh giá được thực chất trình độ thí sinh mà chỉ sa đà vào chiêu thức, mẹo vặt, tạo cơ hội cho thí sinh học tủ, luyện thi…

Thứ ba, Bộ trưởng cần nhìn thẳng vào sự thật rằng kỳ thi 2 trong 1 tuy có nhiều điểm ưu việt nhưng khi giao về địa phương mà thiếu sự giám sát thì đã bộc lộ một số điểm yếu nhất định. Không nhận ra, không cầu thị để thay đổi thì dù cố tình hay vô ý cũng rất nguy hiểm.

Cụ thể, nói như Bộ trưởng thì, “công tác kỹ thuật trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là khâu chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả”.

Như vậy là Bộ trưởng đã “bắt bệnh” được rồi, việc còn lại chỉ là lập một “phác đồ điều trị” mà thôi.

Cá nhân tôi cho rằng, để tránh xáo trộn, gây tốn kém tiền của và hoang mang dư luận thì nên giữ nguyên kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay nhưng chỗ nào thiếu sót phải được hoàn thiện. Để cho những người “không có tâm trong sáng" (như Bộ trưởng nói) cũng khó có thể làm sai lệch kết quả.

Thêm nữa, nếu xét tuyển đại học bằng học bạ thì rất nhiều người cũng sẽ tin như tôi rằng học bạ sẽ được tẩy xóa, thậm chí được chăm chút bằng mua bán ngay từ những học kỳ THPT đầu tiên.

Ngoài ra, giao tự chủ đầu vào cho các trường đại học không nói lên được rằng sẽ tiêu cực ít hơn. Sự việc chấn động ngành giáo dục của đại học Dân lập (ĐHDL) Đông Đô năm 2011 là một ví dụ nhãn tiền.

Mùa tuyển sinh đại học 2001, lãnh đạo trường ĐHDL Đông Đô đã làm trái nguyên tắc, gọi hơn 4.000 thí sinh nhập học, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh được bộ GD&ĐT giao là 1.600 học sinh (vượt 2,8 lần so với chỉ tiêu).  

Để có đủ số thí sinh đầu vào này, ĐHDL Đông Đô đã thực hiện nâng điểm thi cho nhiều thí sinh. Qua thanh tra, chấm lại bài thi, bộ GD&ĐT đã yêu cầu hơn 1.600 sinh viên phải chuyển từ hệ đại học xuống cao đẳng, trên 70 người khác phải buộc thôi học vì điểm thi đầu vào quá kém.

Kết quả, nhiều học sinh và phụ huynh phẫn nộ, gửi đơn kiện, Hiệu trưởng và hai lãnh đạo khác của trường này phải hầu tòa. Trường ĐHDL Đông Đô bị dừng tuyển sinh 1 năm.

Do đó, tôi xin dẫn lời PGS.TS Nguyễn Văn Dững – nguyên Trưởng khoa Báo chí, học viện Báo chí và Tuyên truyền – “hiến kế” giúp Bộ trưởng khắc phục điểm yếu và phát huy hiệu quả kỳ thi 2 trong 1 như sau:

          Một là, bảo đảm đề thi không đánh đố, làm bài xong thí sinh nào cũng vui, nhưng điểm chủ yếu đến 7, còn muốn đạt 8 trở lên thì không dễ. Đề thi nên chủ yếu do giáo viên phổ thông ra, chuyên gia đại học thẩm định và hoàn thiện. Bởi nếu để chuyên gia nghiên cứu giảng dạy đại học ra đề, thì đề thi sẽ lại... như năm nay!!

        Hai là, quản lý chặt khâu chấm thi, đánh phách dồn túi 2 - 3 lần; quản lý phách do cán bộ trường đại học về chịu trách nhiệm, cùng với công an địa phương. Nếu khâu này làm chặt, quét chấm thi trắc nghiệm truyền thẳng về trung tâm khảo thí của Bộ ngay thì làm sao còn sửa chữa được?

        Ba là, thành lập cụm chấm thi và chấm chéo giữa các địa phương, đảm bảo người chấm không biết đang chấm cho tỉnh nào, trường nào. Việc này trong tầm tay của bộ GD&ĐT.

Sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại một số tỉnh thành đến nay đã rõ, việc xử lý hình sự là của cơ quan công an, nhưng Bộ trưởng nên coi đó là một bài học đắt giá để hoàn thiện công tác quản lý giáo dục của mình.

Thưa Bộ trưởng Nhạ!

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ, trong đó có nhiệm vụ về giáo dục: Diệt giặc dốt.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VIII (tháng 12/1996), Đảng ta đã khẳng định: “Thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Ngày nay, chỉ số phát triển con người (Human Development Index- HDI) là thước đo trình độ phát triển của một quốc gia, cũng được đánh giá trên ba tiêu chí: Sức khỏe, giáo dục và thu nhập.

Tất cả cho thấy giáo dục luôn nhận được sự quan tâm, đề cao, dồn nguồn lực để phát triển.

Trước đó, thời phong kiến nước ta, Bộ Lễ (thời vua Duy Tân gọi tên là Bộ Học) được coi là một bộ quan trọng trong Lục Bộ (chỉ sáu cơ quan chức năng cao cấp trong tổ chức triều đình quân chủ). Việc khoa cử và minh bạch khoa cử luôn được đề cao.

Cafe8 - Minh bạch khoa cử và niềm tin của xã hội (Hình 3).

Danh nhân Cao Bá Quát (ảnh tư liệu)

Ngay đến danh nhân Cao Bá Quát chỉ vì sửa điểm của thí sinh với mục đích trong sáng để tránh bỏ sót người tài mà đã từng bị kết án tử hình (về sau được gia ân miễn tội chết).

Năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy 24 bài thi văn hay nhưng phạm húy, không nỡ đánh trượt người tài, Cao Bá Quát cùng một viên sơ khảo khác đã chữa lại bài thi. 

 

 

 

 

 

Lời cuối cùng tôi tha thiết mong Bộ trưởng hãy nhìn nhận sự việc thật thấu đáo, khắc phục điểm yếu để hoàn thiện kỳ thi THPT Quốc gia 2 trong 1, giúp nó phát huy được những ưu điểm mà cả xã hội đã công nhận.

Kính thư! 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.