Minh bạch tài chính nhìn từ "bom nợ" Evergrande

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 3, 05/10/2021 08:05

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp càng minh bạch thì thị trường càng đi lên, càng tránh được “bom nợ” tương tự như Evergrande.

Con đường đưa Evergrande tới khủng hoảng nợ

Tại tọa đàm Evegrande: Bom nợ bất động sản Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam do VnEconomy tổ chức, TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Trường Kinh doanh IPAG tại Paris và thành viên Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) đã có những nhận định về nguyên nhân đưa Evergrande thành "quả bom nợ" và hướng xử lý của Chính phủ Trung Quốc.

Kinh tế vĩ mô - Minh bạch tài chính nhìn từ 'bom nợ' Evergrande

Evergrande - Tập đoàn BĐS lớn thứ 2 Trung Quốc - rơi vào khủng hoảng nợ.

Theo ông Võ Đình Trí, giá nhà ở Trung Quốc tăng cao, vượt xa so với thu nhập của người dân, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế và xã hội. Số người đủ khả năng mua nhà/thuê nhà trụ lại tại các thành phố lớn giảm sút.

Trước tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc ban hành một loạt chính sách nhằm “hạ nhiệt” thị trường bất động sản (BĐS) và kiểm soát tình hình như quy định giá trần thuê nhà để hạn chế đầu cơ qua đó tăng khả năng tiếp cận cho người dân có nhu cầu thực sự; kiểm soát sự phát triển quá nóng của các doanh nghiệp BĐS thông qua quy định tỉ lệ trần vay nợ hay các đòn bẩy tài chính.

Điều này khiến thanh khoản của một loạt doanh nghiệp BĐS Trung Quốc, trong đó có Evergrande bị ảnh hưởng.

Kinh tế vĩ mô - Minh bạch tài chính nhìn từ 'bom nợ' Evergrande (Hình 2).

TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Kinh doanh IPAG tại Paris.

Ông Trí cho rằng, nguyên nhân thứ hai do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. Trong khi đó, mô hình kinh doanh của Evergrande dựa trên trả góp theo tiến độ. Do đó, khi người mua nhà của Evergrande gặp khó khăn về tài chính, không thể tiếp tục đóng tiền mua nhà. Ngoài ra, nhu cầu mua nhà mới của người dân giảm mạnh cũng khiến dòng tiền của doanh nghiệp thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, cấu trúc tài chính của Evergrande quá mạo hiểm, bộc lộ nhiều rủi ro giữa lúc khó khăn khi hệ số đòn bẩy tài chính cao với việc đẩy mạnh vay trái phiếu và công cụ nợ ngắn hạn… Vì vậy, khi dòng tiền đột ngột đứt đoạn, doanh nghiệp không đủ nguồn lực tài chính để thanh toán các khoản lãi trái phiếu.

“Để Evergrande không sụp đổ và tạo ra “bom nợ” giữa lúc Covid-19 diễn biến khó lường, Chính phủ Trung Quốc tập trung đảm bảo hệ thống tài chính vững mạnh. Theo đó, Chính phủ tuần tự ưu tiên xử lý các khoản nợ của doanh nghiệp liên quan tới ngân hàng, người mua nhà, sau đó là tới các chủ thầu… 

Chính phủ thực hiện tái cấu trúc tài sản thông qua bán bớt tài sản có tính thanh khoản cao, hỗ trợ các ngân hàng cho Evergrande vay.

Mới đây nhất, công ty bán 30% cổ phần tại một ngân hàng cho một công ty quản lý tài sản hay các địa phương tiến hành rà soát các tài khoản người mua nhà đóng cho Evergrande và dùng số tiền này để tiếp tục hoàn thiện dự án theo đúng tiến độ. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc sẽ phân chia, giao lại cho chính quyền địa phương các dự án đang dở dang”, ông Trí nói.

Bài học sử dụng đòn bẩy tài chính từ Evergrande 

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia bổ sung thêm, Evergrande cũng là nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, dùng vốn vay mượn để kinh doanh.

Kinh tế vĩ mô - Minh bạch tài chính nhìn từ 'bom nợ' Evergrande (Hình 3).

TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Thế nhưng, điều kiện vay vốn tại ngân hàng rất chặt như cần tài sản thế chấp, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch trả nợ… Theo đó, phương án giải quyết tốt nhất chính là huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Thêm một yếu tố mà doanh nghiệp thích phát hành trái phiếu hơn vay ngân hàng là việc không bị kiểm soát dòng tiền. Cụ thể, ngân hàng thường theo dõi rất sát dòng vốn tín dụng, thông thường chỉ rót 10% tiền cho chủ đầu tư, số còn lại đưa thẳng trực tiếp cho nhà đầu, nhà sản xuất vật liệu…

Trái lại, nếu phát hành trái phiếu, các khó khăn đều được hoá giải, chủ đầu tư được tuỳ ý sử dụng tiền vừa huy động. Nhiều trường hợp tại Việt Nam, chủ đầu tư huy động trái phiếu để hoàn thành một dự án nhưng lấy khoản tiền đó để mua dự án khác, hay đem tiền đi đầu tư.

Evergrande là điển hình cho chuyện dòng tiền bán hàng âm, dòng tiền tài chính cũng lao dốc. Đây là hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc.

Lớp sương mù tài chính

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhìn vào các báo cáo tài chính của Evergrande trong 10 năm trở lại đây đều thấy minh bạch như được kiểm toán tại những công ty kiểm toán lớn trên thế giới; được cơ quan tài chính hùng mạnh hàng đầu xếp hạng tín nhiệm; trái phiếu phát hành có tài sản bảo đảm đàng hoàng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều tập đoàn BĐS phát hành cả chục nghìn tỷ đồng trái phiếu nhưng không ai giám sát, không ai đánh giá xếp hạng tín nhiệm. 

Riêng các tập đoàn BĐS là “sân sau” của ngân hàng càng phải tập trung cải thiện. “Nghĩa vụ nợ trên tổng tài sản; khả năng thanh toán rất yếu và đang bị che bởi lớp sương mù tài chính”, ông Nghĩa cho hay.Với các doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam, nếu không muốn vướng phải trường hợp tương tự, ông Nghĩa lưu ý, phải cân bằng giữa các dòng tiền gồm dòng tiền tài chính, dòng tiền kinh doanh, dòng tiền đầu tư… Đặc, biệt, thời gian tới, dòng tiền chứng khoán tương đối đi lên, do đó đây là dịp để củng cố dòng tiền này.

Về phía nhà quản lý, ông Nghĩa cho rằng phải kiểm soát lại việc phát hành trái phiếu ồ ạt trong thời gian qua và có phương án cân bằng pháp lý, không để người mua trái phiếu "nắm đằng lưỡi”. Điểm mấu chốt là tài sản bảo đảm của chủ đầu tư không chỉ đáp ứng đúng các tiêu chí phát hành mà duy trì giá trị liên tục sau đó. Việc sử dụng nguồn tiền có đúng mục đích hay không và giá trị tài sản thực hay ảo sẽ là những việc cần kiểm tra.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp càng minh bạch thì thị trường càng đi lên, càng tránh được “bom nợ”.

Ông Nghĩa cho hay: “Ngân hàng Nhà nước, các nhà chức năng đã có nhiều quy định rất rõ như một doanh nghiệp được vay bao nhiêu phần trăm (%) vốn điều lệ, một ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay bao nhiêu % vốn tự có. Nhưng thực tế tất cả đều rối tung rối mù lên với hàng loạt công ty con, công ty cháu, công ty liên kết”.

Ông Võ Đình Trí cũng cho rằng cần xem xét lại cấu trúc tài chính của một số doanh nghiệp BĐS. Nếu so sánh với một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thể thấy các doanh nghiệp BĐS Việt Nam đã huy động vốn qua kênh trái phiếu quá nhiều trong khi thị trường trái phiếu chưa trưởng thành, chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu, thông tin tới nhà đầu tư chưa minh bạch, rõ ràng và rất rủi ro.

“Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng với doanh nghiệp chạy theo phong trào, đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu”, ông Trí cảnh báo và cho rằng cần kiểm soát bền vững tài chính của các công ty BĐS vì đằng sau các công ty này thường có liên đới tới các ngân hàng.

Phong Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.